top of page
Writer's pictureKate

10 điều bạn và tôi có thể làm để giúp du lịch Việt sau Covid

Cả năm ngoái tôi lao động chăm chỉ và dành được một khoản tiền, cuối năm tôi trốn việc một buổi đi gia hạn hộ chiếu, chuẩn bị tâm thế cho một năm mới tưng bừng khám phá năm châu bốn biển. Tôi bước vào nghỉ Tết trong tâm trạng đó. Từ đó đến nay đã gần nửa năm, hộ chiếu mới của tôi vẫn nằm im trong chiếc vali phủ bụi.


Tôi, trong vai một khách du lịch chẳng xuất ngoại được, còn may mắn hơn nhiều người khác trong bối ảnh du lịch sau Covid. Nhúc nhích du lịch sau Covid, tận mắt chứng kiến những bảng hiệu báo chuyến bay thưa thớt, những chuyến bay được chăm sóc hơn bình thường vì ít khách hơn, sân bay địa phương vắng bóng, những tuyến đường, tụ điểm vui chơi giải trí vẫn nghỉ một kỳ nghỉ đông dài thật dài. Tôi mới thực sự thấu hiểu thế giới hậu Covid hoang tàn thế nào.


Chiều qua ở dưới chân Cầu Rồng Đà Nẵng, tôi gặp một người đàn ông Nga, không thể nói cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, ngồi bán những tấm ảnh và tranh do chính ông làm ra với dòng chữ "Tôi là du khách đến từ Nga, tôi kẹt lại đây vì Covid-19, bán ảnh là việc duy nhất tôi có thể làm lúc này, xin hãy giúp đỡ tôi". Nhìn những bức ảnh của người bạn đến từ xứ sở Bạch Dương không quá xuất sắc, những bức tranh còn đơn giản cả những bức màu nước mà tôi vốn tự vẽ vời nữa, tôi toan bước đi. Song nghĩ đến việc anh ấy đã trải qua một kỳ nghỉ quá dài, quá hỗn loạn, không nhà cửa, không công việc, không người thân bên mình; tôi chọn lấy một tấm tranh công chúa cho con gái, đưa cho anh tờ 100.000 VNĐ. Anh nghiêng đầu sang trái, nói "thank you", đôi mắt ngấn nước mắt. Tôi đã phải tạm biệt và rơi đi thật nhanh vì nếu không tôi sẽ rơi vào cảnh bối rối vì muốn nói một số lời động viên nhưng anh bạn không thể hiểu.


Dưới cái nắng làm cháy sáng cả những bức ảnh chụp vội, giữa phố Hội vắng bóng khách, tôi đã rất khó khăn để mỉm cười với những người bản địa đang cố tư vấn về vẻ đẹp của Hội An và mời đoàn chúng tôi lên một chiếc thuyền dọc sông Thu Bồn, với giá chỉ 50-100K, bằng một phần ba so với mức giá những lần trước tôi được họ chào dịch vụ. Tôi đã giúp đỡ người khách Nga kia, nhưng phải từ chối những đồng bào cùng quốc tịch với mình. Trời quá nắng, em bé của chúng tôi sẽ ốm mất nếu lên thuyền đi chơi lúc này. Trong lòng tôi nặng trĩu.


Hội An là một địa phương trước đây đường phố chẳng khi nào thiếu vắng bóng du khách nước ngoài. Hồi 2013, có một lời đề nghị vào Hội An làm việc, tôi đã từng nghĩ "Trời ơi môi trường ở đây quá lý tưởng, vừa truyền thống dày dặn lịch sử, vừa xinh đẹp, vừa hiện đại bước ra cửa là có thể làm việc với người nước ngoài". Khách nước ngoài họ đến thăm, chi tiêu tại đây, giúp Hội An sôi động hơn và phát triển hơn.


Tạt vào mua một đôi dép cói, và một bộ quần áo cho bé con, tôi gặng hỏi và chị chủ cửa hàng chia sẻ: "Trước đây doanh thu cửa hàng chị 100 - 150tr/ tháng, có tháng tốt hơn. Nhưng bây giờ tháng được 5 - 7 triệu là mừng rồi em. Khách Việt hỏi nhiều nhưng không mua mấy."


Phố cổ Hội An như vẫn còn đang nghỉ. Một chị chủ tiệm đồ lưu niệm khác tâm sự: Em thấy hàng nào mở thì hàng đó chính là cửa hàng của người Hội An gốc đó em. Các bạn Hà Nội, Sài Gòn và nơi khác đến thuê mặt bằng họ nghỉ bán hết rồi, thuê mặt bằng vài chục đến trăm triệu, mà không có khách thì sao trụ nổi. Thôi em ủng hộ tụi chị với nghe".


Các tuyến bay quốc tế vẫn chưa mở. Những địa phương vốn chuộng khách tây hơn khách Việt nói riêng và toàn ngành du lịch Việt Nam nói chung đang có nhiều chương trình kích cầu du lịch trong nước. Và cũng vào mùa hè, 3 tháng cao điểm người Việt Nam đi du lịch nữa. Dưới đây là một vài gợi ý để góp gió thổi ngọn lửa du lịch Việt Nam tốt hơn:


#1. Tham gia chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ VHTTDL đã phát động. Thay vì tiếp tục bó gối chờ các đường bay quốc tế và các thị trường du lịch quốc tế mở lại thì chúng mình có thể xách balo lên và đi du lịch trong nước.

#2. Trải nghiệm những điều mới ở một vùng đất cũ: Bỏ qua lỗi lo ngại rằng "Ôi chỗ này mình đi mãi rồi" hoặc "Mình đã đến điểm này rồi, mình sẽ dành tiền để đi chỗ khác", hãy đến và trải nghiệm những điều mới ở những nơi chỗn tưởng chừng như đã cũ.

#3. Chi tiêu cho hàng quán/ bà con địa phương, chi trả cho các cơ sở có vẻ khó khăn hơn. Đến các điểm du lịch, hãy gắng chọn lọc các cơ sở của bà con địa phương mở ra (thay vì các cơ sở do nhà đầu tư nước ngoài mở ra nhé các bạn).

#4. Thuê hướng dẫn viên du lịch bản địa là một trong những cách gia tăng thu nhập cho những lao động địa phương. Bạn cũng có thể đăng ký trở thành một Hướng dẫn viên địa phương bằng cách tham gia cộng đồng tubudd.com

#5. Di chuyển bằng phương tiện của bà con địa phương

#6. Ăn uống thực phẩm địa phương

#7. Lập team bạn bè/ gia đình ủng hộ các chương trình ưu đãi kích cầu du lịch, gia tăng số người đi du lịch.

#8. Trải nghiệm những khu vực du lịch mới được khai phá, hoặc còn đang trong qúa trình xây dựng chuyên nghiệp hoá.

#9. Cư xử lịch thiệp với người cung cấp dịch vụ du lịch. Mình cứ cân nhắc sử dụng các dịch vụ, song thông cảm nếu họ có hành vi tận thu :).

#10. Chia sẻ thông tin về các chuyến đi, các câu chuyện du lịch tích cực














50 views0 comments

Comments


bottom of page