top of page
Writer's pictureKate

4 vấn đề, 10 tiêu chí cần xem xét khi chọn trường tiểu học cho con

QUAN TÂM ĐẾN CƠ CẤU TRƯỜNG HỌC, CÁC MỐI QUAN HỆ NỘI BỘ VÀ CÁC TIÊU CHÍ MỚI KHI CHỌN TRƯỜNG TIỂU HỌC


Hôm nay mình chia sẻ góc nhìn từ phía người làm công tác thông tin bên trong một trường học, hy vọng giúp bố mẹ có thêm cơ sở để chọn trường cho con. Bài viết phản ánh kinh nghiệm và quan điểm cá nhân.


Cần phân biệt các loại hình trường Tiểu học

Trên thị trường giáo dục Hà Nội hiện tại có Trường quốc tế toàn phần, Trường Công, Trường Bán công, Trường Tư thục do Tập đoàn đầu tư, Trường Tư thục toàn phần do một cá nhân/ nhóm cá nhân đầu tư (có cả trường hợp các founders là người nước ngoài).


Mỗi kiểu trường học sẽ có cơ cấu quản trị khác nhau, cơ cấu này chi phối đến mọi hoạt động của Nhà trường. Đối với khu vực trường tư, cơ cấu thường thấy là có:

  • Ban Giám hiệu: Những người trực tiếp quyết định, điều phối, quản lý các công việc liên quan đến việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Có thể hiểu BGH mang góc nhìn Nhà quản lý giáo dục. Có trường thành lập riêng ra Ban Đào tạo để chuyên nhiệm vụ xây dựng chương trình, thẩm định chương trình và training cho CBGV.

  • Ban Giám đốc: Đảm bảo chất lượng dịch vụ, đảm bảo vận hành campus, xử lý các mối quan hệ với các nhà cung cấp. Có thể hiểu Ban Giám đốc mang góc nhìn Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giáo dục.

  • Hội đồng Cố vấn: Một Nhà trường cần rất nhiều cố vấn, từ cố vấn phát triển trường học (từ cố vấn lựa chọn mô hình phát triển cho đến phát triển hệ thống quy trình..., cố vấn giáo dục (theo từng môn), cố vấn các mặt cụ thể phát triển cho học sinh như dinh dưỡng học đường, tâm lý, hướng nghiệp...

  • Hội đồng Quản trị (Có trường thì không có hội đồng, chỉ có Chủ tịch thôi) quyết định về chiến lược đầu tư trong dài hạn và ngắn hạn


Mối quan hệ giữa các bộ phận

Trường học chịu sự quản lý chặt chẽ của nhiều ban ngành đoàn thể. Góc độ Nhà trường thì chịu sự quản lý của các cơ quan ngành dọc ngành giáo dục (Phòng/Sở/Bộ GD), các ngành khác như Y tế, Vệ sinh An toàn thực phẩm, Công an, Phòng cháy chữa cháy... Góc độ doanh nghiệp thì có các cơ quan quản lý nhà nước về Công Thương, các cơ quan Thuế, Kiểm toán; tập đoàn phía trên... (Vì thế cho nên mỗi quyết định trong trường học thường phải qua nhiều bước thẩm định, duyệt... nên mất thời gian hơn so với doanh nghiệp thông thường).


Bố mẹ chọn trường cho con nên tìm hiểu cơ cấu quản trị của mỗi trường học và đánh giá về cơ cấu này. Mỗi cơ cấu sẽ có các đặc điểm khác nhau (mà với mỗi gia đình thì như thế được cho là ưu hay nhược điểm. Ví dụ: Thường, trường học có cơ cấu quản trị càng chuyên môn hoá, thì càng "cồng kềnh", mọi thứ có quy trình, được xem xét nhiều chiều thấu đáo hơn; song có thể sẽ không được linh hoạt, thân thiện như nhiều gia đình mong muốn.


Ví dụ: Một chương trình ưu đãi khi Nhà trường công bố, thông thường sẽ phải duyệt qua nhiều cấp, từ nội bộ cho đến tận Sở Công Thương, vì thế khi có một gia đình "xin thêm" một chút ưu đãi thì các Nhà trường lớn sẽ khó "gật đầu" ngay được.


Độ mượt (smooth) trong việc phối hợp giữa các bộ phận trong cơ cấu này cũng rất quan trọng. Bởi trường học là một xã hội thu nhỏ. Cũng giống như bố mẹ làm ở các doanh nghiệp lớn. Nếu các bộ phận rời rạc, thì cuối cùng mỗi thành viên trong cộng đồng đó đều chịu những phiền toái. Hậu quả của sự rời rạc không kết nối trong trường học hẳn bố mẹ hẳn đã thấy nhiều.


Phân biệt các chương trình giáo dục

Phần lớn các trường tiểu học theo mô hình bán trú, trẻ ở trường buổi trưa, một tuần trẻ học 5 ngày, mỗi ngày 7-8 tiết tuỳ theo cách chia.


Với cùng một thời lượng như vậy, thị trường tồn tại một số chương trình giáo dục

  • Chương trình Giáo dục chuẩn của Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam (MoET VN) (23-25 tiết/ tuần): Trừ các trường quốc tế, tất cả các trường học ở Việt Nam bắt buộc theo chương trình này. Hiện các trường đều có can thiệp để đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới một số môn cụ thể trong chương trình này để việc thực hiện nó được tốt hơn.

  • Các Chương trình Song Bằng: Song song với MoET Việt Nam, thời lượng còn lại trong tuần trẻ sẽ học thêm 1 chương trình giáo dục của một quốc gia khác (Cambrigde, IB, IPC...). Nói như một số trường là họ "Nhập khẩu" thêm một vài chương trình về, và các gia đình sẽ chọn cho trẻ học 2 chương trình một lúc. Trẻ giống như học gấp đôi, vừa trong vai 1 học sinh Việt Nam, vừa trong vai 1 học sinh nước ngoài. Tốt nghiệp có thể thi để có được hai bằng một lúc.

  • Các Chương trình tăng cường: Ngoại ngữ (ESL/ EFL), Toán, Thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động xã hội, Tư duy, Robotic, Leadership, Hướng nghiệp sớm... là loạt hoạt động mà các trường lựa chọn, "nhập khẩu về", hoặc tự xây dựng thành các chương trình tăng thêm cho các con học ngoài giờ học MoET hay ngoài cả các chương trình song bằng.

Tóm lại chỉ trong vòng 40 tiết, mỗi trường đều phải ra các quyết định xem với triết lý giáo dục của mình, mô hình vận hành của mình, thì đưa ra những chương trình giáo dục như thế nào. Bố mẹ nên tỉnh táo để chọn cho con một con đường phù hợp với quỹ thời gian của con, kỳ vọng của gia đình.

TIÊU CHÍ MỚI TRONG CHỌN TRƯỜNG TIỂU HỌC

Trên các diễn đàn Việt Nam có nhiều bài viết chia sẻ tiêu chí lựa chọn trường học cho con. Song em hy vọng bố mẹ có thể bỏ thêm thời gian đọc thêm các blog tiếng Anh ở các xã hội có nền giáo dục đi trước chúng ta nhiều năm, họ chia sẻ về những tiêu chí này để mình có thêm sự so sánh.


Họ đưa ra những lời khuyên cho bố mẹ tìm hiểu các tiêu chí như sau:

  1. Trường học có dạy cho trẻ những vấn đề thực tế đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày hay không?

  2. Trường học đánh giá như thế nào là học sinh tốt?

  3. Trường học có quan tâm đến sức khoẻ tinh thần của trẻ hay cho rằng chúng phải chịu tổn thương để thích nghi với xã hội?

  4. Hành xử của cô giáo và Nhà trường như thế nào khi hai đứa trẻ xung đột với nhau?

  5. Kế hoạch đầu tư của Nhà trường cho những năm tiếp theo như thế nào?

  6. Mối quan hệ của Nhà trường với giới chuyên gia, các nhà cung cấp, các tổ chức xã hội ở địa phương như thế nào?

  7. Nhà trường có cùng cha mẹ và các tổ chức địa phương hình thành thành một cộng đồng học tập, nơi các con được trao cơ hội trải nghiệm hay không?

  8. Nhà trường có quan tâm và hướng dẫn để các con hình thành năng lực tự học?

  9. Nhà trường có các hoạt động hướng nghiệp sớm, giúp các con hiểu ý nghĩa của mọi công việc lao động bao gồm cả lao động chân tay và lao động trí óc hay không?

  10. Nhà trường có những kết nối quốc tế nào để giúp CV của con trong tương lai được để mắt ưu tiên hơn không?

...


Đại dịch Covid 19 diễn ra bất ngờ, có lẽ bố mẹ cũng thấy ngay giá trị của việc con có năng lực tự học, con yêu thích việc học, con làm chủ việc học. Hoặc bố mẹ cũng sẽ thấy những câu hỏi nhãn tiền như: rốt cuộc thì con học được thật nhiều bầu chữ tốt hơn hay con có năng lực học hỏi thích nghi với cuộc sống tốt hơn?


172 views0 comments

Comments


bottom of page