top of page
Writer's pictureKate

48 giờ đầy bất ngờ du lịch Bắc Hà, Lào Cai (P2)

Sáng hôm đầu tiên (thứ 7) chúng mình đi chơi chợ Cán Cấu, buổi trưa chén một bữa cơm Bắc Hà thơm ngon với nem rán và gà núi, xong đâu đấy chúng mình lên căn phòng thơm mùi gỗ và... ngủ tít đến tận gần 4h chiều.


Chúng mình mất hơn 1 tiếng đồng hồ để thay nhau tắm táp, chọn áo quần cho hai bạn nhỏ, hai mẹ. Chun thì là con trai nên ít bước chuẩn bị hơn; chứ như Táo thì :D. Chọn váy chọn áo, chọn màu dây buộc tóc, chọn kẹp tóc, xong chạy vòng quanh mấy lượt mới chuẩn bị xong :D.


Xong xuôi hết thì trời cũng nhá nhem tối. Chúng mình quyết định là sẽ ra chợ đêm thị trấn Bắc Hà để thưởng ngoạn và ăn tối tại đó.


Xuôi theo con đường dốc lên xuống từ Nobita Homestay, chúng mình đi chừng nửa cây số thì tới chợ đêm.


Chợ đêm thị trấn Bắc Hà



Ui chao cả một sân khấu xập xình những sáo, khèn và các giai điệu âm hưởng âm nhạc Tây Bắc cùng nam thanh nữ tú lấp kín cả một quảng trường. Xung quanh đám đông đó là những hàng quán ở chợ đêm, phổ biến là đồ uống vỉa hè như nước mía, nước ngọt, chè đỗ đen... rồi sạp kẹo bông to khổng lồ, xe bán kem cuộn Hàn Quốc xen lẫn với một số sạp ăn nhanh, bách hoá phố núi. Xuôi chừng 100m ra khỏi đám đông thì có các cửa hàng đồ ăn, đồ nướng thơm ngon. Chúng mình đã tấp vào một cửa hàng đồ nướng xiên để ăn tối.


Chợ đêm thị trấn Bắc Hà thu hút cả người bản địa và khách du lịch. Nghe nói bình thường cũng không đông được như hôm mình đến, mà do ngày hôm sau có chung kết giải đua ngựa nên khách ùa đến làm Bắc Hà "thất thủ", không còn phòng mà đặt.







Xem Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà

Số tụi mình hên thế nào, không nghiên cứu trước đâu, sát ngày đi mới biết đúng hôm chúng mình lên thì Bắc Hà có chung kết giải đua ngựa. Giải đua ngựa này đã được duy trì trong hàng trăm năm nay.




Ở các huyện vùng cao Lào Cai, con ngựa vừa là người bạn thân thiết vừa là phương tiện vận chuyển quan trọng hằng ngày. Tiếng vó ngựa lộp cộp dọc các nẻo đường núi là một trong những dấu ấn văn hoá của địa phương này.


Mỗi ngày, vào những buổi sáng chưa tan sương, dù trời còn giá lạnh, ngựa vẫn cặm cụi giúp gia đình người Mông chở nông cụ, phân bón, hạt giống lên nương.

Chiều tối, khi mặt trời lấp ló rặng núi phía Tây cũng là lúc ngựa nhẫn nại chở các sản phẩm thu hoạch từ nương rẫy về nhà. Đường núi vùng cao đèo dốc quanh co, đá núi gập ghềnh, chỉ có con ngựa - người bạn thân quen, mới có khả năng giúp người Mông gieo trồng bắp, hạt lúa trên đỉnh núi, sườn non chênh vênh.


Ngựa là người bạn trong đời thường nhưng cũng là con vật thiêng trong đời sống tín ngưỡng người Mông. Ngựa là vật duy nhất hóa thân thành chiếc cáng đưa người chết về cõi vĩnh hằng. Chỉ có con ngựa mới có đủ sức mạnh huyền bí để chở thầy cúng người Mông đi về các cõi trời, cõi đất và sông biển để tìm linh hồn người ốm chữa bệnh cho người Mông.


Theo bà Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Hà, việc duy trì Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà là một trong những nỗ lực của địa phương nhằm tôn vinh giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào thiểu số vùng cao Bắc Hà nói chung và ngợi ca nét độc đáo, tình cảm gắn bó giữa con người vùng cao với loài vật vô cùng gắn bó, thân thuộc trong cuộc sống sinh hoạt, đời sống tâm linh của họ.


Có chứng kiến tận mắt giải đua ngựa mới thấy tình cảm cuả người với ngựa là có thật.


8h00 sáng, bà con thập phương và người dân địa phương xuất trình vé để vào sân vận động xem đua ngựa. Vé đã được bán hết từ vài ngày trước. Các nhà quản lý cũng có vẻ mạnh tay trong việc kiểm soát nạn buôn vé, phe vé.



Có một số gia đình mà ban công tầng 2 phía sau nhà của họ lại rất gần sân vận động, chúng như thể là khán đài đặc biệt, cao hơn vị trí cao nhất ngoài sân, thu trọn cả vùng thung lũng rộng lớn vào tầm mắt.


Chúng mình đã bỏ ra 70K/người để hưởng cái sự ưu ái bất ngờ đó. Ngồi mát hơn, view tốt hơn những người dưới sân.



Chao ôi, các bạn có thể nhìn vào những bức hình sau để tưởng tượng: trước mắt mình là bầu trời và non núi ôm lấy thung lũng, nắng cao nguyên nhuộm vàng tất thảy, và khán giả đổ về lấp kín vòng tròn khán đài bằng những chiếc ô sắc màu.







Ở khu vực thi đấu, mỗi đợt thi đấu có 4 chú ngựa, đi cùng đương nhiên là 4 kị mã. Mỗi cặp một vẻ, nhìn ngắm họ cũng là một trải nghiệm vô cùng lý thú.


Ta sẽ thấy những chú ngựa béo > _ <; những chú trẻ trung; có cả những chú nhìn đẹp mã óng ả săn chắc cơ bắp. Ta thấy cách chúng tung vó lướt đi, có chú nghe chừng mệt, có chú phấn khích, có chú điềm tĩnh.


Các chú phối hợp với kị mã cũng muôn vẻ: có chú rất hợp tác nhịp khớp; có chú phấn khích chạy đi trước khi kị mã kịp nhảy lên, cứ thế tiến phăm phăm cùng các "thí sinh" khác, chẳng trật đường đua tí nào; có chú lại tỏ ra cái sự bất kham, kị mã phải ép chân ghì cương và quất vào mông để neo chú về đúng đường đua.


Cảm xúc chung khi xem đua ngựa là thấy kỳ vĩ và ngưỡng mộ mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, thấy non sông đồng bào khắp nơi có cuộc sống thật là đa dạng. Đôi lúc thấy hào hứng cổ vũ cho các chú ngựa bền bỉ vượt lên đối thủ chạm đích; có khi hú hồn vì chú ngựa lao vào đám đông và làm ngã kị mã trên lưng mình.


Có rất nhiều vòng đua, trải dài từ sáng tới trưa. Mình không kịp xem chung kết vì tên Táo ngố chán xem bạn ngựa đòi di chuyển chỗ khác :D.


Lần sau tới mình sẽ xuống gần sân hơn ^_^


Trải nghiệm hái mận tam hoa Bắc Hà


Mận tam hoa trái to thiệt to, giòn nhẹ và ngọt lịm chứ không chua hay gây cảm giác tê, khé.

Người ở đây hay bảo "Bắc Hà nhỏ, bọn em biết nhau hết ấy mà, chị muốn đi hái mận chỗ nào cứ bảo em". Nói chung du lịch trải nghiệm như thế này thì mình cứ hỏi bà con địa phương, họ sẽ chỉ cho những nhà có vườn mận lớn trong thôn.

Chúng mình vào hai vườn, hôm trước thì anh Nobita chở chúng mình vào một vườn của nhà người quen. Mận sai kĩu kịt, to khổng lồ. Giá 50K/ cân. Mẹ Chun quất luôn 20kg (mà sau này đặt chân xuống sảnh toà nhà đã bay hết). Trời hơi nắng nên tên Táo bánh bèo uốn éo bứt được mấy chặp là chán :D. (Tên này chỉ có chỗ nào mát hắn mới cười cho :D) còn bạn Chun thì hăng hái bứt đầy hai làn mận.

Ngày hôm sau thì chúng mình hái mận ở nhà một bác ngay gần Nobita homestay. Giá 30K/kg.

Có một chuyện cần ghi chú đó là mận có lớp phấn bao quanh vỏ, nên khi hái thì lau lớp phấn đấy đi sẽ thấy lớp vỏ đỏ au.

Ngoài ra để cẩn thận thì nhớ deal giá với bà con chủ vườn trước khi hái nhé. 30K - 50K là gía cũng quá tốt rồi nhỉ. Về đến Hà Nội 100K cũng không có để mà mua, thế mà trên này mận rụng đầy gốc cây nhìn tiếc ơi là tiếc ấy.

Cảm giác bứt nguyên một chùm mận xong chén luôn tại vườn thật là khiến con nghiện mận là mình đây tươi tỉnh hết cả con người lên :D.








Dinh Hoàng A Tưởng

Về Dinh thì bạn google chắc thấy nhiều nên mình không gõ nữa.


Nói chung đi đến di sản kiến trúc bao giờ mình cũng thấy buồn vật vã. Mặc dù họ có bố trí chú người Mông thổi sáo nhịp điệu tưng bừng và các cô dệt vải tại chỗ, cùng với bán thổ cẩm xinh đẹp. Mình vẫn luôn xót xa trước cách con người đối xử với di sản. Họ bước vào chạy sầm sập, dép guốc không có quy định bỏ ở ngoài và đeo vớ như các Dinh Cung trong Đà Lạt. Bên trong các phòng cũng không còn đồ vật gì. Chúng là loạt phòng trống không.


Dưới đây là loạt ảnh mình chụp tại Dinh:




















Bonus tấm hình thị trấn "thất thủ"



Nói chung, nếu trở lại Lào Cai để nghỉ dưỡng, để hít thở, để ăn uống, mình sẽ chọn Bắc Hà thay vì Sapa.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, chia sẻ vui lòng ghi nguồn giúp mình nhé :).


54 views0 comments

Comentarios


bottom of page