top of page
Writer's pictureKate

5 cách cập nhật thông tin để bớt nỗi lo lạc hậu

Mình có ý niệm về sự “lạc hậu", “chẳng biết gì" khi ngày đầu tiên bước chân lên thành phố với vai trò là một sinh viên bắt đầu cuộc sống mới. Đó là ngày 6/9/2008. Đáng lẽ hôm đó phải đi nhập học ở trường đại học, nhưng mình lại có mặt ở một lễ trao giải dành cho các nhân tài quốc gia cùng lứa tuổi. Chỉ một ngày sau, ngày 7/9, ngày đầu tiên có mặt ở lớp đại học, ngồi ngay cạnh một trong những thủ khoa của khoá, mình đã lần đầu tiên trong đời biết tiếc nuối quãng thời gian 12 năm phổ thông. Hai chữ “giá như" xuất hiện trong đầu mình: Giá như mình đã chăm chỉ hơn, giá như mình đã tiết kiệm thời gian và học hỏi nhiều thứ hay ho hơn, giá như mình đã ở trong một môi trường cạnh tranh hơn.


Sau này mình gặp gỡ những doanh nhân Việt Nam đẳng cấp quốc tế, những người đứng đầu quốc gia, những người có ảnh hưởng, họ đều không ngừng học, không ngừng cập nhật thông tin. Không còn là “tỉ phú thời gian" như khi còn 20s, mình buộc phải có những chiến thuật để cập nhật cho bản thân mình.


#1. Đọc báo thông minh

Vào năm thứ hai đại học, mình được cô giáo PHC lúc đó cô giảng môn Truyền thông Quốc tế, cô hướng dẫn cách đọc báo bằng Google News thay vì vào thẳng các trang báo cụ thể. Bởi Google News tóm lược các vấn đề lớn trong ngày, và gom cũng như liệt kê hàng loạt title từ các báo. Mình có thể trước tiên là nhìn thấy toàn cảnh vấn đề với các góc mà các kênh đã khai thác, sau đó mới chọn click vào các tin mình quan tâm. Thời điểm đó Google News cho phép mình nhập và lựa chọn một vài lĩnh vực/ nhóm vấn đề mà mình quan tâm. Ngày nay thì Google News đã bằng công nghệ tự động điều chỉnh và gợi ý sẵn các nhóm nội dung mà mình quan tâm rồi. Mình dùng cả bản tiếng Anh và tiếng Việt.


Để cập nhật tình hình chung trên thế giới và trong nước, sáng mở mắt ra là mình lướt Google News. Mình có see first trên Facebook một số Fanpage của các tờ báo “mass media", dẫn đầu việc cập nhật khi xã hội có xu hướng mới.


Để đọc sâu hơn vào những ngành mình quan tâm phục vụ công việc như Công nghệ, Giáo dục, Kinh tế và một vài ngành theo sở thích như Nghệ thuật, Thời trang, Phim ảnh… mình chủ động vào thêm một vào tiểu mục của một vài tờ báo có nội dung tốt để đọc.


Trước đây có giai đoạn mình đặt cả báo in và tạp chí gửi đến nhà. Xong đáng tiếc 2 tờ mình thích nhất thì đã ngừng bản ở Việt Nam. Ở đó có rất nhiều số liệu.


Từ năm ngoái, năm 2020, mình biết đến ứng dụng VnAlert (Bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên Appstore hay CHPlay). VnAlert được phát triển bởi Đặng Hải Lộc cùng với công ty AIVGroup của bạn ấy. Ứng dụng này quét toàn bộ nội dung trên báo chí chính thống cũng như các trang mạng, cho phép mỗi cá nhân như mình, như bạn có thể biết đến và theo dõi bất kể thông tin gì xuất hiện trên truyền thông gần như ngay lập tức. VnAlert có 3 nhóm chức năng mình dùng thường xuyên


(1) Bắt trend: VnAlert liệt kê (listing) các chủ đề kèm số lượng tin bài đã được khai thác trên tất cả các kênh. Bài nào càng nhiều lượt khai thác, chứng tỏ đề tài của bài đó đang “hot", đang được quan tâm. Bạn có thể lọc (filter) các tin tức hay câu chuyện“hot" trong 3 tiếng gần nhất, 12 tiếng, 24 hay 48 tiếng.


(2) Nhận thông báo khi chủ đề quan tâm được báo nào hay trang nào đó nhắc tới và khai thác. Trên VnAlert, một người dùng như mình có thể tạo ra các “cảnh báo", bằng cách điền vào đó các từ khoá liên quan. Ví dụ mình quan tâm đến “Thời trang", mình tạo ra một “Cảnh báo” với loạt từ khoá: Thời trang, Nhà thiết kế, Nhà thiết kế thời trang, Sàn diễn thời trang, Người mẫu thời trang, Fashion Model, Bộ sưu tập thời trang, Ý tưởng bộ sưu tập, Bộ trang phục… Khi có bài báo, bài viết nào xuất hiện các từ khoá trên được xuất bản, mình sẽ được ứng dụng thông báo. Mình gần như đã không bỏ lỡ bất cứ thông tin nào về “Son Ye Jin" hay “Sách giáo khoa" trong thời gian qua.


Mình có thể thiết lập cách thức và tần suất nhận cảnh báo. Nhận ngay khi bài được xuất bản, hay nhận cố định vào một khung giờ trong ngày. Mình thường nhận Alert và 7:00 và 11:00 AM, thông qua Notification khi mà VnAlert kết nối với Viber. Thực ra notifications nhận nhiều quá cũng dễ phiền và chán lắm. Mình tạo thói quen cứ 7:00 và 11:00 mở app ra, có chặp mệt hoặc bận thì vài ngày mới mở ra, nhưng vài chục tiêu đề của “Son Ye Jin" vẫn chờ mình mở :D. Mở xong nó vẫn ở đó cho mình đọc lại.


(3) Tìm kiếm tin bài với các từ khoá. VnAlert hiển thị số lượng cũng như nội dung các từ khoá được khai thác, cho nên mình rất dễ dàng có thể đánh giá sơ lược xem nội dung nào được quan tâm khai thác. Mình làm công việc lập kế hoạch truyền thông cho các nhãn hàng, chẳng hạn nhận được đề tài viết về vấn đề “Ứng dụng CNTT trong Y tế chẳng hạn", mình có thể dễ dàng tìm kiếm được số lượng đề tài khai thác liên quan, cũng như nội dung chính về đề tài này đã được các chuyên gia, nhà báo phân tích trên truyền thông đại chúng. Mình cũng có thể dễ dàng kiểm tra xem giữa “Tập đoàn FPT" với “Tập đoàn Vingroup” thì trong cùng khoảng 1 tháng qua, tập đoàn nào xuất hiện trên truyền thông đại chúng nhiều hơn.


VnAlert có sứ mệnh rất đáng nể đó là giúp cho các tờ báo vốn “yếu thế” trên mặt trận truyền thông như là báo ngành hẹp, báo địa phương có cơ hội tiếp cận nhiều độc giả hơn. “Đôi khi có những tin bài rất sâu, rất cụ thể, rất nhiều số liệu đăng trên một tạp chí chuyên ngành nhưng độc giả lại quá thiếu thời gian để biết đến chúng” Lộc từng nói với mình như vậy. Đọc thêm về app này tại đây nhé https://vnalert.vn/


#2. Đọc website các cơ quan quản lý nhà nước

Vẫn theo các vệt phục vụ nhu cầu cập nhật thông tin về quê hương đất nước :D, để tỏ tường hơn về thời cuộc; hoặc theo vệt phục vụ các công việc cụ thể (Chẳng hạn gần nhất mình có nhận được lời mời lập kế hoạch truyền thông giúp gia tăng nhận biết về một cuốn sách tổng kết của ngành phòng chống thiên tai), mình cũng set lịch định kỳ vào website của các Bộ/ Sở/ Cơ quan quản lý nhà nước để đọc thông tin mới. Đáng tiếc là chức năng “Alert" của những kênh này còn chưa được thân thiện.


Thực ra tin từ các trang này cũng nhanh chóng được các báo/ trang tin chuyên ngành đưa lại, nên chỉ cần Google News hay VnAlert là cũng được rồi. Mình thường tìm vào những trang này để đọc toàn văn các văn bản, hoặc khi cần liên kết các tài liệu, tìm kiếm tên tuổi các chuyên gia hoặc kiểm tra nguồn tin.


#3. Đọc blog/ fanpage và trò chuyện chuyên gia

Bài viết trên báo thì thường mang quan điểm của Toà soạn. Một số mang quan điểm của Người viết - Nhà báo. Các bài viết mang quan điểm chuyên gia trên mặt báo thường có khi nói đến các vấn đề nghiêm trọng, quan trọng, ảnh hưởng đến lợi ích của một nhóm lớn. Chẳng hạn như gần đây nhiều tờ báo đưa quan điểm của Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu liên quan đến chuyện giãn cách xã hội. Trên mạng xã hội/ blog cá nhân, các chuyên gia viết thường xuyên hơn (so với số bài viết về họ, họ viết trên báo), các chủ đề cũng đa dạng hơn, không chỉ về ngành nghề họ làm việc, mà còn về các chủ đề họ quan tâm. Cá tính của họ cũng được bộc lộ rõ ràng hơn, không qua nhiều bàn tay biên tập. Mình đặc biệt thích các chuyên gia hài hước. Họ đưa vấn đề tích cực, đưa chi tiết thông minh và đọc xong thì vừa cảm thấy thông minh hơn vừa thấy được relax.


Các chuyên gia cũng thường nằm ở trong một số Hiệp hội, Hội nhóm. Mình cũng có thể tìm tới đây như một nguồn tin.


#4. Cập nhật trên mạng xã hội

Truyền thông mạng xã hội phá vỡ nhiều quy luật của nền truyền thông truyền thống, khi mà bất cứ ai vốn từ “người nghe nhìn" đều có thể bất chợt trở thành một nguồn phát được quan tâm và có lượng truy cập khổng lồ mà nhiều trang tin dày công xây dựng nội dung nhưng cũng chưa có được.


Đọc thông tin trên mạng xã hội rất mệt, đối với mình nó như là một cái chợ hổ lốn, nơi mà các tờ chính thống cũng có kênh để nuôi dưỡng mối quan hệ với độc giả của họ; chuyên gia cùng có; các content creator mọi lĩnh vực nữa.


Bí kíp của mình chỉ là See First các kênh có nội dung mình quan tâm. Follow một số hashtag trên Twitter, và gần đây là Tiktok như #publicrealtions #covid #vietnam #musical #pianotips


Vì tính chất công việc, mình cũng vẫn phải theo dõi sự vận chuyển các dòng chảy thông tin trên mạng xã hội, nhưng nói chung là… lười :D. Đi hỏi mấy bạn GenZ trong công ty cũng là một cách của mình để giữ cho mình không phải đọc, mà vẫn nắm được… sơ sơ.


Mình gần như bỏ qua mọi comment trong các bài đăng ở các kênh mạng xã hội đại chúng.


#5. Nghe Podcast, nghe sách nói

Buổi sáng khi chạy bộ/ đạp xe, chuẩn bị đồ ăn sáng, make up, thay đồ… Buổi chiều khi nấu cơm. Buổi tối khi chuẩn bị đi ngủ… là những khi có chút thời gian để cắm tai nghe nghe Podcast hay Sách nói. Mình thường chỉ nghe trích đọc, hoặc vừa nghe vừa tua để chọn ra các ý chính mình muốn nghe. Các nội dung mình quan tâm là trải nghiệm của chuyên gia các lĩnh vực khác, các đúc kết, tóm tắt, các nội dung tổng quan hoá.


Để tất cả những thông tin nạp vào mỗi ngày không “đi từ tai nọ sang tai kia" mất, mình cố gắng liên kết chúng, ghi chép lại nhanh (Qua Google Keep hoặc là Qua một file GSheet mà mình hay dùng để nhặt nhạnh các số liệu, câu chuyện hay phục vụ công việc).

Phần lớn những nội dung nhanh (flow content) mình chỉ ghi nhớ như những câu chuyện, còn những nội dung sâu (stock content) dùng được lâu thì mình hệ thống hoá chúng lại. Mình trò chuyện với một số bạn bè hoặc chuyên gia và cung cấp chéo thông tin các ngành cho họ. Mình kể chuyện với người thân trong gia đình và các bạn mentee… Nói chung tìm mọi cách để nhắc nhở bộ não này nên ghi nhớ thông tin, một cách có hệ thống.


Đôi khi có những khoảng thời gian trong đời, mình cũng chả update thông tin gì (chắc được vài ngày thôi hehe) và mình chấp nhận chuyện mình có thể bỏ qua thông tin đó. Nhưng mình tin rằng, về lâu về dài “news industry" rất đáng để mỗi chúng ta nhìn nhận nghiêm túc và “quản trị” nó. Bởi chúng ta phải chung sống với nó suốt đời, nó là một trong số những nguồn đầu vào quan trọng mà cách chúng ta sàng lọc, xử lý những thông tin sau đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống của chúng ta, của cả con cái chúng ta các bạn ạ.


Mong rằng blog này sẽ giúp cung cấp thêm góc nhìn, giúp các bạn chủ động hơn và tích cực hơn với thông tin. Đừng sợ nó :D.


Thân mến,


Bạch Dương


Tháng 6/2021


Comments


bottom of page