top of page
Writer's pictureKate

Các dụng cụ cần có để bắt đầu thêu tay hiện đại

“Một đôi giày tốt sẽ đưa bạn đi khắp thế gian”, tương tự như vậy, những dụng cụ tốt sẽ giúp các bạn nhanh chóng hoà nhập vào thế giới thêu tay hiện đại đầy mới mẻ. Mình đã mất hàng năm, để đi tìm hiểu về những môn này, trải qua không biết bao nhiêu cú lừa khi mua hàng trên mạng, để đến khi có được một rổ kinh nghiệm khi mua dụng cụ và nguyên liệu thêu. Sau đây mình sẽ chia sẻ hết cho các bạn: Những dụng cụ và nguyên liệu cần có, chỗ mua chúng và những rủi ro có thể gặp phải khi mua chúng để các bạn biết trước và hỏi kỹ người bán trước khi mua nhé.


Trước tiên thì các bạn chắc chắn sẽ nghĩ đến chỗ mua online, thời của công nghệ mà. Nhưng mà hãy nhớ là trước khi có công nghệ thì các bà các mẹ của chúng ta cũng có chỗ mua đồ thêu offline chứ :D. Các cửa hàng phụ kiện may mặc thường cũng có, hoặc các chợ truyền thống lớn. Ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn thì còn có những con phố chuyên cung cấp đồ may thêu. Ở Hà Nội là Phố Hàng Bồ, chợ Đồng Xuân đổ xỉ nè. Nhanh nhất là các bạn hỏi các bà các mẹ xung quanh mình. Kiểu gì cũng tìm ra nơi. Trải nghiệm lùng xục đi mua đồ làm thủ công cũng sốt ruột và thú vị lắm đó. Như bị nghiện luôn, chỉ mong thật nhanh có đủ đồ để chơi.


Còn nếu vì điều kiện mà vẫn cần mua online thì lát mình sẽ chỉ điểm một số chỗ nha.




À với lại, kể cả mua online, hãy để ý location của nhà bán nhé, thế giới ưu tiên mua-gần, mua đồ tại địa phương để giảm khí thải và các lãng phí khi vận chuyển xa.


TÌM HIỂU VỀ ĐỒ

#1. Khung thêu cá nhân

Khung thêu cá nhân thường thấy nhất là khung tròn cầm tay như thế này.




Khung thêu có nhiều size tính theo đường kính: 8cm, 11cm, 13cm, 14cm, 16cm, 18cm, 20cm, 25 cm, và 30cm.

Khung nhỏ thường sẽ giúp các bạn “chui” vào được các góc nhỏ như vai áo, ngực áo. Khung càng lớn thì khả năng căng vải càng kém nhé. Mình nghĩ mới thêu, nên bắt đầu bằng 1 khung 8cm và 1 khung cỡ 13-16cm gì đó là được. Thấy gắn bó được với môn này thì mua thêm sau ^^


Rủi ro có thể gặp phải: Khung èo uột không chắc chắn, bị mất ốc vặn, căng vải lên không giữ được vải tuột đi mất, khung có độ hoàn thiện kém nên có thể làm xước vải.

Cần kiếm khung thêu có độ hoàn thiện tốt nếu như bạn không muốn làm tổn thương vải hay sp thêu của mình

Ngoài ra mình thích khung gỗ vì khi chụp thành quả lên khung gỗ sẽ cho hiệu ứng hình ảnh đẹp hơn là khung nhựa hay khung cuốn vải kẻ.


Ngoài khung thêu tròn này ra, ngoài thị trường có khung ba chân, bạn sẽ không mất một tay để giữ khung thêu nữa, hai tay bạn được free, bạn có thể dùng một tay chờ sẵn ở trên để kéo mũi lên, một tay chờ ở dưới để kéo mũi xuống, quá trình thêu sẽ nhanh hơn nhiều. Thị trường còn có khung lớn như thế này, vuông hoặc chữ nhật.

#2. Chọn kim thêu

Kim thêu cần có lỗ xâu kim đủ lớn để khi chặp hai chặp ba thậm chí chặp 6 đường chỉ vẫn xuyên qua được một cách dễ dàng.


Kinh nghiệm của dân thêu chuyên nghiệp là không xâu chỉ quá dài, để rút ngắn thời gian kéo chỉ lên hoặc xuống. Vì thế người thêu rất thường xuyên phải xâu chỉ qua lỗ xâu trên kim. Chỉ thêu cũng dày hơn chỉ may hay khâu bình thường nên càng cần kim phải có lỗ xâu lớn.


Không nên thêu bằng kim khâu. Tất nhiên nếu đang “thèm thêu” quá mà chưa mua được kim thêu chuyên dụng thì cũng đành, nhưng bạn sẽ toét mắt vì xâu chỉ cho mà xem :D.


Kim thêu cũng cần độ hoàn thiện tốt, vì mình đã gặp những trường hợp đầu kim bị cong, khi di chuyển qua các lớp vải thì kim móc xước hết vải, hoặc đầu kim, chỗ lỗ xâu đó hoàn thiện không tốt thừa mép ra cũng làm xước vải đứt chỉ. Nếu thêu trên voan hay lụa thì hỏng hết cả đồ luôn.


Kim thêu cần thân mập mạp một chút để bản thân nó cần được chưng dụng trong một số nút cần quấn chỉ quanh thân kim. Như mũi French Knot (Mũi sa hạt), hay mũi Bullion Know (Hoa hồng lười :D) chẳng hạn.


Hai loại kim thêu này okay này


#3. Chọn chỉ thêu

Chỉ thêu có chỉ 100% cotton xù mềm mịn, có chỉ tơ óng, chỉ loang màu (từ đầu này đến đầu kia của sợi là một vệt chuyển từ màu nọ sang màu kia). Nó rất khác với chỉ may hoặc khâu về độ đanh. Chỉ có chỉ Trung Quốc và chỉ Pháp là phổ biến.


Chỉ thêu có nguồn gốc xuất sứ hẳn hoi thì bạn đều có thể tìm ra công ty đã sản xuất ra nó và tra được mã màu của từng loại.

Nỗi ám ảnh lớn nhất của chỉ thêu là phai màu. Ngay cả những shop ghi “Chỉ thêu không phai” thì cũng không tin được nhé. Lần đầu hãy mua ít một, test thử cho vô nước và vò nó trước khi thêu, bạn cần chắc chắn là nó không phải rồi hẵng bắt đầu nhé. Tất nhiên là test xong phải hong khô hắn trước khi bắt đầu nhé.


Hai là “độ mới”. Thực ra mình rất hay đặt phải chỉ thêu hết đát, mua về sợi nó cứng đơ chứ không có độ mềm và xù cần thiết, đến mức mà cảm thấy bẻ nó gãy được như bẻ cây tăm luôn đó. Vậy các bạn nên tự đi mục sở thị mua chỉ, sờ vào thấy các em nó mềm mềm xốp xốp thì nhấc nhé.


Tiếp theo là cần có kế hoạch sử dụng chỉ trước khi quyết định mua nhé. Mấy em bé xíu này thị trường bán lẻ bán giá lộn xộn lắm, cùng một tép chỉ kiểu Tàu, nơi bán 5K/con nơi bán 10K/ con, cứ vui tay nhặt 10 con chỉ là mất 100K rồi. Mà các em ý thì muôn sắc xinh xắn không thể kìm lòng được :)). Ví dụ hôm nay mình định thêu mẫu này, mình chỉ cần các mã màu này. Khi đến tiệm, thấy nhiều em xinh đẹp khác cũng quyết không mua nhé, kể cả rẻ :d.


Mình có riêng một bài về chọn màu chỉ thêu, nhưng cơ bản là để có được mẫu thêu “tây”, thì các bạn cần chọn màu chỉ theo các tone màu pastel nhẹ nhàng, hoặc các tone màu đất “đậm hẳn” so với đỏ cam vàng lục lam chàm tím bình thường. Cố gắng tự tìm hiểu xem màu pastel và màu đất là khác nhau như thế nào và khác màu thường như thế nào, trước khi mình kịp biên bài sau nhé.




#4. Chọn vải thêu

Các bạn cần có hiểu biết về các loại vải. Điều này không chỉ giúp cho việc thêu thuận lợi hơn, mà còn giúp được các bạn cả trong các lựa chọn đồ cho phong cách thời trang của mình nữa.


Có thể các bạn đã biết hoặc chưa biết, một tấm vải thường được dệt lên bởi các sợi ngang và sợi dọc. Cùng một loại sợi, như lụa chẳng hạn thì mật độ sợi nhiều hay ít, cách dệt sẽ tạo nên tính chất của loại vải đó. Các bạn cứ hiểu đơn giản là mật độ sợi thấp, tức là trong cùng 50cm vải thì ít sợi hơn, khe hở giữa các sợi đó sẽ rộng hơn, vải trông lỏng lẻo hơn. Điển hình là các loại lụa, õng ẹo xô lệch và dễ rút sợi Đỏng đảnh lắm cơ. Ngược lại sẽ có những loại vải mà mật độ sợi dày, chắc chắn, “nồi đồng cối đá”.

Các loại vải còn khác nhau bởi các loại sợi. Thưở ban đầu người ta đều làm từ sợi tự nhiên kiểu như là con tằm nhả tơ, bà lấy tơ về dệt sợi vậy đó :D. Còn có sợi từ cây bông, cây gai… Sợi tự nhiên là sợi làm từ các nguyên vật liệu tự nhiên. Sau này có sợi nhân tạo, sợi công nghiệp do con người áp dụng các thể loại khoa học, hoá học vân vân vào tạo ra, chúng nó thường có yếu tố polyeste đó. Chúng nó ra đời là bởi vì sợi tự nhiên thì khó có thể sản xuất hàng loạt, số lượng lớn, nhân công rẻ và chất lượng đồng đều được. Rồi thì sợi tự nhiên (như kiểu linen) thì sẽ rất dễ nhàu trong khi bọn nhân tạo kia thì hạn chế nhàu, có loại hoàn toàn không nhàu.


Về cơ bản thì loại vải nào cũng thêu lên được. Chỉ có điều cần cẩn trọng khi căng vải. Bọn vải õng ẹo mật độ sợi thấp như lụa mà căng lên khung quá tay, thì khi bỏ khung ra nó xô lệch hết; thêm vào đó, mũi thêu cũng phải lỏng tay hơn nhé, nếu chặt quá đến khi bỏ khung ra nó cũng dúm hết cả vào luôn :D.

Mới tập thêu nên chọn các loại vải đanh, như là thô dày, hoặc linen để thêu, tránh voan, lụa, chiffon abc ra nhé các bạn.


#5. Các dụng cụ khác

Để có được hình thêu trên vải, đơn giản nhất là bạn tự vẽ mẫu lên vải rồi thêu theo, nhưng nếu không tự tin về chuyện có thể vẽ đúng tỉ lệ hoặc không tự tin vẽ được một mẫu thêu uyển chuyển, bạn có thể tìm một số mẫu được chia sẻ free tác quyền trên internet, sao chép lên vải và bắt đầu thêu. Vụ in pattern lên vải này cũng cần một bài khác nhé, nhưng trước tiên:

Các bạn sẽ cần đến Embroidery Pattern (Mẫu thêu), bản chất là các bản in hoạ tiết trên giấy, để sau đó bạn in nó lên vải và thêu theo.




281 views0 comments

Comments


bottom of page