top of page
Writer's pictureKate

Đến Huế lần đầu: Rung động với Huế xưa

Dẫn: Có trong mình dòng máu chúa Nguyễn là một trong những phát hiện lý thú của mình trong ba chục năm sống trên đời. Mình biết được chuyện này do là mặc dù mình là nữ tử, nhưng lại nhanh nhẹn nên hay được bố mẹ cho tham gia vào các hoạt động với các cụ các ông trong dòng họ. Nhà mình thuộc một nhánh tít tắp mù khơi gì đó của dòng họ Nguyễn Phúc, trong đó có 9 ông chúa 13 ông vua trong lịch sử.

Từ ngày đọc được cuốn sách về dòng họ, mình hào hứng hơn hẳn với lịch sử Việt Nam giai đoạn thời nhà Nguyễn, đọc và tìm hiểu xem nguồn cội của mình ở đâu, họ từng có cuộc sống như thế nào. Không ngờ họ rực rỡ thật… Những trang sách và lời kể của ông bà họ mạc thôi thúc mình đến Huế.


Thực ra đất nước mình là một đất nước cũng có nhiều câu chuyện diệu kỳ, từ ngày lớn lên mình cũng hứng thú với các câu chuyện lịch sử. Đọc nhiều sách về Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt, Hải Phòng… Mỗi khi đi dưới các con đường lớn to đẹp có nhiều năm lịch sử, mình luôn tưởng tượng ra chỉ cách đây vài chục vài trăm năm, cũng con đường đó, có thể đang là vệt xe của những con người lưu danh sử sách. Chắc họ chẳng bao giờ nghĩ vài trăm năm sau lại có một con bé dở hơi cứ vừa đi vừa nghĩ vừa trầm trồ như vậy :D.


Mình đến Huế chỉ với một hành trang duy nhất là đó khao-khát-mãnh-liệt được đến, và phong thanh những hiểu sơ đẳng và truyền thông mang đến (như sông Hương, cầu Trường Tiền, nhã nhạc cung đình, festival Huế, cô gái áo dài tím, chè Huế) chứ gần như là chẳng có gì. Và mình cũng quyết không đọc các blog du lịch khác về Huế trước khi đến.


À với lại các nguồn tin xung quanh mình cứ hỏi Huế buồn lắm, nhất là mưa Huế, buồn thê lương dai dẳng, rồi họ nói “Huế chẳng có gì đâu” nên mình cũng không có quá nhiều hy vọng khi đến đây.


Chắc vì đặt thấp hy vọng mà sau này mình thấy hời quá các cậu à.


Sân bay Phú Bài



Sân bay ở Huế là sân bay Phú Bài. Đây là một sân bay nhỏ, một ngày có khoảng 3-4 chuyến ra Hà Nội thôi. Những cán bộ của sân bay có vẻ đã phục vụ ở đây lâu, thời điểm mình đến họ lịch sự, chu đáo và thân thiện. Mọi câu trả lời đều bắt đầu bằng “Dạ, dạ…” nghe thiệt dễ chịu.


Sân bay Phú Bài không được hiện đại như các sân bay lớn, tuy cũng có đủ các cơ sở cơ bản, việc check in online hình như không có ở đây.


Đến Phú Bài các bạn hãy chuẩn bị tinh thần là loạt taxi đậu sẵn ở sân bay không chạy theo đồng hồ số. Họ sẽ đòi khoảng 300 ngàn cho chuyến di chuyển vào thành phố cỡ 15-18km. Nên chuẩn bị trước tinh thần để tránh bị buồn vì ấn tượng đầu tiên thành phố xinh đẹp mang lại cho mình lại hơi bị tệ.


Sau hỏi ra mới biết loạt taxi đậu ở sân bay ngày cũng không đón được nhiều khách, mà phí bến bãi lại cao, nên họ cũng không có cách nào khác là phải chạy giá cao lên. Nghe thông cảm hơn một tí (chứ ban đầu vẫn ngại lắm, trải nghiệm nói chung với các bác tài Hà Nội vốn không vui vẻ gì mà). Sau này đi mấy hôm liền thấy các bài tài Huế nói chung là tốt hơn Hà Nội lẫn Sài Gòn và ăn đứt Đà Lạt ở khâu dịch vụ.


Nhà mình có mang xe đẩy em bé, các bác tài luôn nhanh nhẹn mở cửa giúp mình để mình chỉ việc nhấc em bé ra, xách túi và lấy xe đẩy giúp, vẫn luôn “dạ dạ…” làm mình thực sự có cảm giác bị shock văn hóa.


Xe taxi ở Huế rất là sạch, thơm, không có mấy xe cũ nát quá hay cảm giác thiếu bảo dưỡng. Và các bác tài thì vẫn luôn là những người kể chuyện bất đắc dĩ nhưng rất là am hiểu nhé. Hãy hỏi các bác thật nhiều.


Bờ Bắc và Bờ Nam

Dòng sông Hương trong thi ca là con sông chia Huế thành hai phần, phía bờ Bắc là Kinh thành Huế khi xưa – tập trung những gì thuộc về thế giới xưa cũ của quá khứ, nơi được UNESCO ghi nhận và bảo tồn; còn phía bờ Nam là thành phố mới, hiện đại trẻ trung và hội nhập như bao thành phố khác của Việt Nam.


Cũng phải mất đến ngày thứ ba, bọn mình mới thu thập được hết các hiểu biết (bằng cách hỏi các bác taxi, xích lô, và chủ quán ăn bản địa) để hiểu được điều vừa kể với các bạn. Khách sạn của bọn mình book tên là Cherish, nằm ở phố Bến Nghé, thuộc khu bờ nam, tức là bên thành phố mới. Ngày đầu tiên đến Huế bọn mình chơi chơi quanh bên này, thấy có tòa Vincom kèm theo Vinpearl cao chọc trời, thấy có đầy đủ các tên tuổi các chuỗi thường thấy ở Hà Nội: Nào thời trang như Elise, Vũ Trần Đức Hải, Aristino, Phan Nguyễn vân vân; nào trà sữa Gong Cha, Mr Good Tea; nào cộng Cà phê, Highland, Vinamilk giấc mơ sữa Việt đầy đường. Bụng bảo dạ, bảo “Tưởng thế nào…”.


Hóa ra những gì người ta yêu ở Huế, thực ra lại nằm hết ở bên kia dòng sông.

Khu vực bờ sông Hương, có vài tuyến phố đi bộ. Xinh xắn dễ chịu lắm. Bố đi bộ ở đây không có đồ ăn hay bày bán la liệt gì như hình thái của phố đi bộ Phú Quốc đâu. Chỉ có những con đường thật dài, có đoạn dát gỗ (nghe nói là gỗ lim). Sạch sẽ lắm, có đèn sáng và không có mùi tanh gì đâu. Bạn có thể cùng bạn bè người thân tản bộ ở đây, phóng tầm mắt ra thu trọn hình ảnh cây cầu Trường Tiền được thắp sáng, hoặc thả mình theo những chuyến du thuyền dọc bờ sông. Có lẽ trên đó người ta đang hát nhạc cung đình và ăn các món ăn mô phỏng theo bữa tối của vua chúa ngày xưa. Mình quyết định dành việc “du thuyền sông Hương” cho lần ghé Huế sau.


Kinh thành Huế xưa

Từ chối mãi không được chú xích lô đậu ở cửa khách sạn, gia đình mình theo xe chú làm một vòng quanh Hoàng thành Huế xưa. Chú nói người ta chia ra thành ba vòng: Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành.


Tử Cấm thành là nơi gia đình vua chúa sinh hoạt và làm việc; Hoàng thành mở rộng ra đến dinh thự quan lại và nhà của các công chúa phò mã; và Kinh thành thì có cả người dân, sinh sống và buôn bán tập nập. Đó là xưa kia. Chúng mình chui qua khá nhiều chiếc cổng to thật to, mà ông chú nói có 10 cổng như vậy quanh Hoàng thành.


Như đã kể với các bạn, bên kia sông Hương, bên bờ Bắc là kinh thành Huế xưa, còn gọi là Khu đại nội. Ở đây có những quy định nghiêm ngặt về nhà đất.


Về khách sạn đọc báo mới biết để gìn giữ không gian khu vực Đại Nội (di sản được UNESCO công nhận), năm 1999 tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành Quyết định 2318 về quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch chi tiết khu kinh thành Huế. Ở phía bắc, khu vực quanh kinh thành sẽ hạn chế nhà cao tầng để bảo vệ cảnh quan và bảo tồn di sản. Còn khu vực phía nam sẽ được tập trung phát triển đô thị.


Các căn nhà trên bốn tuyến đường quanh khu vực Đại Nội là đường Lê Huân, Đoàn Thị Điểm, 23-8 và Đặng Thái Thân chỉ được phép xây một tầng (có nghĩa chỉ có tầng trệt, không được xây lầu), chiều cao tối đa không quá 4 m, sau này là 6 m. Các đường còn lại được phép xây nhà hai tầng (tức một trệt, một lầu), chiều cao không quá 11 m. Việc này để đảm bảo là không nhà nào cao hơn các công trình của Tử Cấm thành.


Riêng về mật độ xây dựng, tỉnh cũng quy định rõ nhà có diện tích trên 200 m2 thì mật độ xây dựng không quá 30%. Theo cơ quan quản lý, quy định này nhằm để bảo tồn nhà vườn và tránh tình trạng người dân tự ý phân lô đất.


Về kiến trúc, quy định cũng ràng buộc phải là nhà mái dốc, lợp ngói, họa tiết, màu sắc, trang trí đơn giản phù hợp cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc phố cổ. Ngoài ra, các nhà trên đường ven hệ thống ao hồ và sông Ngự Hà phải có độ lùi khi xây dựng. Cụ thể, nhà một tầng phải lùi 6m so với bờ sông, nhà hai tầng phải lùi 12m…


Trước khi đến Huế mình không có mường tượng cụ thể cũng như là bất kỳ sự hy vọng nào về kiến trúc của kinh thành Huế. Mình vì không tìm hiểu nên chủ quan nghĩ là “Ngày xưa xây dựng không phát triển, chắc mấy công trình đó cũng giỏi lắm là được như mấy “Dinh Bảo Đại” ở Đà Lạt mà mình từng đi qua, trông giống như những gian nhà hai tầng phẳng phiu mốt cách đây vài chục năm.”


Nhưng mình đã quá nhầm.



Ngỡ ngàng và phấn khích, đó là cảm xúc đầu tiên khi đặt chân đến trước Tử Cấm thành. Bao nhiêu hiểu biết về một “cấm thành” nơi vua chúa ở mà vốn xem trong phim TQ hiện ra đầy đủ. Cổng thành cao thật cao, xây dựng cầu kỳ, điêu khắc gỗ và đá tinh xảo.



Đối với một người không học gì về kiến trúc như mình, nhưng ở vai một người trải nghiệm, bước chân vào “cấm thành” chỉ thấy thốt lên một điều “quá hợp lý”. Trước đây mình có đọc một cuốn sách, hình như là “Làng quê chúng ta đang thay đổi”. Họ có nói về chuyện dân ta xưa tuy nghèo nhưng không gian sống trong làng vô cùng hợp lý, hài hoà với thiên nhiên, nhà có thể không quá to, nhưng xung quanh có vườn cây, ao cá. Con người hạnh phúc khi chan hoà với thiên nhiên. Khi đến “cấm thành Huế” thấy đúng thực sự như vậy.


Con đường đi vào điện Thái Hoà (nơi khi xưa các vị vua lên chầu” rộng thênh thang, hai bên là hồ sen lớn với đàn cá bơi lội. Những khoảng sân lớn, những hàng lang kết nối không gian ngang dọc khiến cho mình luôn cảm thấy mình như hoá thân thành một công chúa nhỏ, đầy tò mò khám phá một ngôi thành rộng lớn, nhưng với phép tắc khi xưa, thì cô bé chỉ có thể lấp ló sau những chiếc cột gỗ to đùng và ngắm nhìn những sự kiện nghiêm trọng trước mắt.




Có một điều, nếu bạn là một người nhiều xúc cảm, và giống như mình luôn cảm thấy rất ngưỡng mộ lịch sử… thì hãy chuẩn bị tinh thần với trái tim bạn chắc chắn sẽ rung động.

Rung động không chỉ bởi những xúc cảm rất sử thi mà nơi đây mang lại khi mà bạn không thể ngừng nghĩ về chuyện chính tại nơi này, vài thế hệ trước, có những nghi lễ rất cung đình, những sự kiện lịch sử rất lớn của dân tộc, những cuộc chiến ngoài cung, trong cung… mà rung động còn bởi vì có một nỗi buồn nào đó cứ xâm lấn lấy bản thân mình.



Có lẽ vì cuộc sống trong cung cấm vốn đã đượm buồn. Nỗi buồn của những vị vua mang trọng trách quên đi cuộc sống cá nhân, nỗi buồn của những người phu nhân có chồng tử nạn trong các cuộc chiến sau sống cô quạnh cả đời, nỗi buồn của những người mắc kẹt với cuộc sống hoàng gia, những nỗi buồn chia ly, chia cắt và nỗi buồn của một đế chế đã tàn. Nhìn những góc kinh thành bị chiến tranh tàn phá, nhìn những dấu ấn lịch sử dần phai nhoà vì cuộc sống hiện đại, nhìn những nỗ lực giữ gìn không tới, nhìn những sự khai thác du lịch màu mè, bạn còn thấy buồn hơn nhiều cực luôn.


Mình vẫn nhớ như in cảm giác khi đặt chân đến “Thái Bình Lâu”, một gian nhỏ, nơi biển đá tạc là nơi các hoàng tử cùng bạn bè đọc sách. Vui vẻ dấn vào bên trong để thăm thú, thì phát hiện ra bên trong đã trở thành một quầy bán hàng lưu niệm và giải khát. Nói chung, cũng chẳng có cuốn sách nào được bán trong đó. Mình lại đi ra.




Rời khỏi kinh thành Huế, thứ còn lại trong mình, đó là hương thơm của hoa đại. Cây hoa đại được trồng khắp nơi, mùi thơm của nó quyện hết tất cả những nỗi buồn kể trên, trở thành thứ gì đó quyến luyến nhất.



Lăng tẩm ở Huế

Đến Huế một thì đi thăm Đại Nội (cấm thành nói trên), hai là đi thăm các lăng tẩm vua chúa xưa để lại.

Lăng, chính là lăng mộ. Ở Huế có lăng mộ thời các Chúa Nguyễn, lăng thời Tây Sơn và lăng thời các vua thời nhà Nguyễn.


Mình ở Huế ngắn, lại có bạn nhỏ đi cùng nên không đi được nhiều. Mình có tới thăm Lăng Tự Đức, lăng Khải Định và ghé qua lăng Gia Long.





Lăng Tự Đức Lăng có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của hoàng gia. Báo chí ghi nhận như vậy và quả thực như vậy. Bạn có thể thảnh thơi đi bộ trong lăng này, cho cá ăn giữa hồ, và đi sâu vào phía trong để cảm nhận sự cô quạnh của một nơi từng là Khiêm cung, nhưng không có chuyện vui vầy gia đình vì Tự Đức không có con. Có người nói ông “gay”, nhưng lịch sử nói là ông bị bệnh đậu mùa lúc nhỏ cùng với thể trạng yếu nên không thể có con, dù cũng có đến trăm bà vợ.




Anh taxi nói có thể vua Tự Đức không nằm ở đây, vì người xưa nếu nghèo quá sẽ đi tìm mộ vua chúa mà đào lên lấy tiền của đồ quý chôn theo khi trước. Nhưng lịch sử vẫn nói ông nằm đó. Đến một ngôi lăng, cũng thấy gợn gợn một chút, sợ sợ một chút. Nhưng sau tất cả thì chỉ cảm thấy buồn thôi huhu. Cảm thấy các vị vua, các phu nhân họ vẫn loanh quanh ở đó… Và họ rất buồn.


Lăng Khải Định thì đúng như con người ông, đông tây kim cổ, có nơi gọi khéo là “cá tính”, nhưng mình thấy thập cẩm vô vị :)). Xin lỗi ông Khải Định nha. Khải Định lăng mix lung tung tùng beng các loại kiến trúc đông tây kim cổ. Cũng không có không gian hữu tình, nên đối với mình mà nói thì không-hợp-gu lắm hihi. Nếu bạn nào cũng tha thẩn như mình thì có lẽ nên qua lăng Minh Mạng, Gia Long trước, nếu còn thời gian thì qua thăm ông Khải Định sau.




Người dân địa phương nói ông Khải Định thì đúng là vẫn nằm ở trong lăng. Trên khu vực cao nhất.

Gia Long Lăng bản chất là một quần thể gồm hơn 40 khu vực, rộng rãi và nên thơ. Người ta khuyến nghị du khách đến thăm nơi đây vào xế chiều, ngắm hoàng hôn xuống, khi ấy du khách mới cảm nhận được hết những câu chuyện của vị vua đầu tiên triều Nguyễn. Lần tới Huế tiếp theo mình sẽ thử điều đó.


Đến thăm lăng tẩm ở Huế, nếu không book hướng dẫn viên du lịch, bạn sẽ thấy lạc lõng một chút và… nhạt nhẽo một chút. Vì bạn sẽ chỉ thấy như mình đang đi lướt qua những công trình lịch sử, cố gắng nhớ về thân thế của vị vua này, các câu chuyện chính trị và hậu cung của họ, cảm nhận cá tính và tâm hồn của họ và thu về một bầu tiếc thương. Thế nên nên ghép đoàn và book hướng dẫn viên nhé. Chuyến đi sẽ thú vị hơn nhiều.




Sau tất cả thì, mình vẫn đi thăm những-ngôi-mộ là một việc gì đó linh thiêng và… lạ lùng. Phải đến 10 người sống ở Huế nói với mình cùng một thông điệp “Huế khác Đà Nẵng lắm, ở Đà Nẵng muốn có nơi cho khách đi du lịch thì người ta phải xây mới, còn ở đây lịch sử đã để lại cả rồi, chỉ cần khai thác thôi, mà làm cũng không tới… nên người Huế nghèo lắm…”


“Người Huế nghèo lắm, rất khó để xin được một việc làm”… đó là câu nói lặp lại nhiều nhất trong chuyến đi của mình. Chắc phải có lý gì đó thật người ta mới nói về sự nghèo ở Huế nhiều như thế. Người ta chỉ đến Huế như đến thăm một miền ký ức, rồi người ta quay vào Đà Nẵng, vào Hội An (Quảng Nam) vui chơi. Nên bình quân một khách du lịch chi trả tại Huế không nhiều.

Blog sau mình sẽ viết về những người còn ở Huế, những người mới đến Huế, một Huế hiện đại bên bờ Nam với những câu chuyện kiểu như là:

Không chỉ vua chúa, người gốc Huế có vẻ rất trọng việc tâm linh. Những chú taxi trong thành phố kể rằng ở Huế có những ngôi làng, sau 1975 người ta bỏ ra nước ngoài hết. Chính vì thế bây giờ cả làng chỉ chờ tiền ngoại tệ gửi về, không làm ăn gì cả, thêm vào đó còn xây những ngôi lăng mộ tiền tỉ. “Chị không ngờ được đâu… Ở đây nhà họ có thể lụm xụp, nhưng lăng mộ thì 3-4 tỉ là bình thường, trong đó có bếp núc, có điều hoà, có xích đủ, chạm trổ tùm lum. Chị tin không em chở chị đi xem…”

Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây. Hy vọng các bạn cũng yêu những gì thuộc về thành phố Huế, và comment giúp mình biết là những trải nghiệm của mình với Huế là… bình thường nhé ^_^


Một số hình ảnh khác đối với mình mà nói thì rất-Huế-xưa:





























































69 views0 comments

Commentaires


bottom of page