top of page
Writer's pictureKate

Đến Huế lần đầu: Sôi động Huế nay

Bài viết trước tôi đã đề cập đến Huế bên bờ Bắc, thành phố của ký ức. Bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc


Buổi trưa đầu tiên chúng tôi đến Huế, trưa 30/4, trời nắng nóng như “cư dân mạng” đã đồn về Huế. Đói bụng, chúng tôi rời khách sạn Cherish và tìm kiếm một quán ăn trên đường Bến Nghé. Chúng tôi đã đi một vòng quanh con đường dài mà không tìm được quán ăn nào còn mở cửa lúc 13h30 và quyết định quay trở về đúng một quán ăn trông có vẻ đơn điệu, ở ngay… bên hông khách sạn. Quán có tên không nhỉ tôi cũng không nhớ nữa, nhưng nếu từ sảnh Cherish xuống đường thì nó ngay sát bên tay phải của khách sạn.


Chủ quán là một chú, cung cách phục vụ của chú làm tôi nhớ lại ông chú chủ quán đồ ăn Tây ở Đà Lạt dạo nọ. Bạn sẽ không khi nào thấy chú phân tâm khỏi nhiệm vụ của mình. Tôi đợi bữa ăn xong xuôi (một bữa ăn mà mọi thứ giống như là “nhà tự nấu”, trừ món mực chiên ra thì mọi thứ đồ ăn đều được nấu nướng rất tự nhiên, từ hương vị cho đến trình bày) mới “hành nghề” lân la hỏi han câu chuyện của chú. Tôi thấy trong ánh mắt chú nhiều câu chuyện.


Với chất giọng không Huế, không Sài Gòn, không cả Hà Nội, chú nói nhỏ nhẹ làm tôi phải cố gắng lắm mới nghe được “Chú là người gốc Tàu. Ba mẹ chú đều là người Tàu. Họ qua bên này chơi và mắc kẹt hai đợt, trong đó có một đợt là chiến tranh biên giới 1971, họ quyết định ở lại đây luôn.” Gia đình chú và chú chứng kiến nhiều dấu mốc của Huế, ở góc độ của những người vừa là người ngoài, vừa là người mình.


“Đồ ăn nhà chú nguyên bản lắm, con đi ăn khắp Huế rồi sẽ có đánh giá của riêng mình, nhà chú nói chung vẫn cố giữ những cách chế biến nguyên bản nhiều đời nay.”


Câu chuyện nhỏ to kéo dài hơn 1 tiếng. Sự thì thầm của chú khi kể chuyện, cung cách khom lưng khiêm tốn và cách đặt vấn đề cũng hết sức nhẹ nhàng của chú bỗng nhiên làm trong tôi hiện ra câu chuyện của những gia đình gốc Trung như chú, sống cẩn trọng và nghiêm ngặt ở giữa một đất nước xa lạ trong suốt nhiều năm trời, vừa cố gắng thích nghi với cuộc sống mới, vừa gắng giữ gìn những giá trị mà gia đình để lại.


Buổi tối hôm đó chúng tôi đi qua và thấy đại gia đình nhà chú bán cơm đang ngồi quanh mâm cơm tròn, trông thấy tôi chú vui vẻ giơ tay chào. Mấy ngày sau cũng vậy. Tôi hơi lấy làm tiếc vì đã không mạnh dạn xin chụp một tấm hình và hỏi tên chú. Thôi để lần sau.


Ở Huế, gặp ai cũng vậy, cứ sau năm câu ba điều, một là người ta sẽ nhắc về quá khứ, hai là người ta so sánh với Đà Nẵng.

Một anh taxi trẻ nói “Huế có sẵn tất cả mọi thứ quá khứ để lại, công trình, lăng tẩm, thiên nhiên… chứ không như Đà Nẵng, muốn có cái gì cho bà con đến chơi thành phố cũng phải xây mới. Thế mà người ta cũng không khai thác được.”

Dấu vết của quá khứ còn ở khắp nơi quanh Kinh thành Huế xưa

Một người khác nói: “Em đi lái xe, vợ em ở nhà trông con thôi anh. Ở Huế nghèo xin việc khó khăn lắm”.

Rồi “Người ta chỉ tới Huế một chốc một nhát rồi người ta vô Đà Nẵng, Hội An tiêu tiền. Chứ người ta đâu có chi tiêu gì cho Huế đâu”.


Hôm rồi mình có gặp mấy người chị giỏi giang đã mở rất nhiều thương hiệu nhượng quyền coffee khắp từ Nam ra Bắc, trong đó cũng có 5-6 quán Cộng Cà phê. Mình vui miệng hỏi “Các chị có định mở ở Huế không?” Các chị không nghĩ ngợi nói luôn “Không em, Huế vắng lắm”.


Mình thì lại không thấy thế, bên bờ Bắc, một Huế của quá khứ được bảo tồn, nơi các nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người có tiền không thể tuỳ ý cải tạo những ngôi nhà theo kiến trúc và nội thất mà họ muốn, thì đúng như là một thị thành ngủ quên, qua hàng trăm năm.


Sông Hương chia Huế thành 2 miền: Quá khứ – Hiện tại


Nhưng ở phía bờ Nam, bên kia sông Hương, nơi có toà Vinpearl chọc trời xé toạc không khí sử thi, nơi có phố Tây nhạc xập xình mỗi khi lên đèn, nơi có những arthub đồ lưu niệm gán mác $, nơi có những chuỗi cửa hàng đang phổ biến cách tiêu dùng thành thị và nơi có những sự kiện văn hoá được tổ chức theo kiểu ngày nay… thì cá nhân mình cho rằng đây chính là bộ mặt mới của Huế.


Sự kiện tại Phố đi bộ sát bên bờ Nam sông Hương

Nếu như bên bờ Bắc bạn vẫn thấy người gốc Huế ở hàng chục cái xích lô ven đường (Là một thành phố du lịch nhưng Huế chưa có xe ôm công nghệ nhé các bạn. Ai đó còn bông đùa Grab mà đến Huế thì phải làm Grab xích lô), hay bán những hàng quán đồ ăn bản địa nhỏ lẻ ở đầu các con hẻm, hay bán gánh chè rong, bán giải khát… Và loanh quanh bên những sạp sinh kế đó, là những câu chuyện về ngày xưa, là những nếp thời gian hằn lên gương mặt khắc khổ, là những ước mong cho con cháu lớn lên bình-an, không bon chen.


Hai chú xích lô dừng chân ăn chè

Thì ở bờ Nam, bạn sẽ thấy những người trẻ ở Huế cũng như những người trẻ trên khắp các thành phố khác của đất nước này, để ý đến ăn mặc hơn, ngồi những hàng quán có tính thiết kế hơn, bàn những câu chuyện lớn lao hơn… như là phát triển du lịch và các business xoanh quanh hệ sinh thái du lịch (homestay, quà tặng, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, hướng dẫn du lịch). Và nếu như các bậc cha mẹ người Huế chỉ mong con cái có cuộc sống bình-an, thì các bạn trẻ lại nuôi nhiều hoài bão vươn ra khỏi thành phố. Điều đó hẳn cũng không lạ lùng gì khi ngày nay chúng ta có công nghệ, có smartphone, có internet và tràn đầy những thông tin và câu chuyện truyền cảm hứng sống tốt hơn.


Người Huế hiện đại hoà vào du khách

Đến Huế vẫn là một trải nghiệm nặng về quá khứ, nặng về tâm linh bao trùm thành phố. Nhưng sức trẻ ở khu bờ nam cũng có vẻ đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có lẽ bạn sẽ như tôi, thấy thành phố này luôn có sự đấu tranh nội tâm dữ dội. Cầu vồng giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa các thế hệ, giữa các hệ giá trị đang diễn ra mạnh mẽ ở Huế. Những người bạn quốc tế đến từ muôn nơi, chọn sống ở nơi đây cũng đang góp phần cho bên này thành phố gia tăng giá trị đa văn hoá, đa sắc tộc hơn.


Tôi tin rằng rồi đây, đến Huế sẽ không là những ngày buồn loanh quanh thăm lăng tẩm, nhắc đến Huế sẽ không còn chỉ hiện lên câu chuyện về những ngôi làng mà thế hệ trước vượt biên giờ gửi tiền về xây lăng mộ tiền tỉ cho gia tộc, gặp người Huế sẽ thôi được kể về “trước năm 1975 thì nhà chú…”… mà sẽ là đến Huế để trải nghiệm những giá trị mới trên nền tảng văn hoá tưởng như là đã cũ.


Bạch Dương, tháng 5/2019.


Một số hình ảnh Huế mới:

Bạn trẻ Huế với mô hình kinh doanh kiểu mới

Trưng bày tinh hoa làng nghề thủ công trong một sự kiện tiếp cận khách du lịch ven sông Hương

Đèn trang trí cho một sự kiện Festival Huế có tính thẩm mỹ

Du khách nhí “say yes” với các hoạt động trải nghiệm văn hoá địa phương – Nặn tò he

Các chuỗi cửa hàng vận hành theo mô hình hiện đại có mặt ở Huế khu bờ Nam

Gia đình gốc Huế sinh sống chỉ với nguồn thu từ sạp hàng nhỏ đầu hẻm.

Chè Huế nguyên bản, gánh hàng rong ở bìa ngoài Tử cấm thành, 10K 15K

Dấu vết quá khứ hiện tồn tại giữa một thế giới mới trẻ trung, sôi động
Tàn tích chiến tranh ngủ yên giữa thành phố
Du khách Hàn Quốc trong lăng Tự Đức


11 views0 comments

Comments


bottom of page