top of page
Writer's pictureKate

Hiểu về bảo hiểm

Trong những câu chuyện bên mâm cơm gia đình, hẳn không ít bạn đã nghe bố mẹ ông bà kể về những câu chuyện buồn khi ai đó trong số bạn bè, họ hàng của họ bỗng dưng mắc bệnh hiểm nghèo, mà không có “bảo hiểm” nên gia đình đã phải chi một khoản tiền lớn cho bệnh viện dẫn đến khánh kiệt về tài chính.


Hồi nhỏ khi nghe những chuyện này, mình có một thắc mắc: Mắc bệnh đương nhiên phải tốn tiền để chữa trị? Còn có thể trông chờ vào khoản tiền nào khác? trông chờ vào sự trợ giúp của ai khác?



Chia sẻ rủi ro của một cá nhân cho cả cộng đồng

Có thể hiểu đơn giản, bảo hiểm là sự đóng góp của số đông vào để giải quyết cho sự bất hạnh của số ít.


Bảo hiểm là biện pháp chia sẻ rủi ro của một người hay của số một ít người cho cả cộng đồng những người có khả năng gặp rủi ro cùng loại; bằng cách mỗi người trong cộng đồng góp một số tiền nhất định vào một quỹ chung và từ quỹ chung đó bù đắp thiệt hại cho thành viên trong cộng đồng không may bị thiệt hại do rủi ro đó gây ra.


Bảo hiểm là một cách thức trong quản trị rủi ro, thuộc nhóm biện pháp tài trợ rủi ro, được sử dụng để đối phó với những rủi ro có tổn thất, thường là tổn thất về tài chính, nhân mạng…


Bảo hiểm được xem như là một cách thức chuyển giao rủi ro tiềm năng một cách công bằng từ một cá thể sang cộng đồng thông qua phí bảo hiểm. Bảo hiểm là hình thức chuyển giao rủi ro.


Mua bảo hiểm thực chất là mua sự an tâm, là đổi lấy cái sự không chắc chắn có khả năng xảy ra thiệt hại bằng sự chắc chắn thông qua việc bù đắp bằng tài chính.


Bảo hiểm là một dịch vụ đặc biệt

Là một công cụ tín dụng, bảo hiểm sinh ra là để đề phòng và hạn chế tổn thất, ổn định đời sống của người tham gia bảo hiểm.


Bản chất là mỗi cá nhân gom góp một số tiền nhất định vào Quỹ lớn, nên bảo hiểm trước tiên cũng có thể hiểu là một hình thức tiết kiệm.


Một số quỹ bảo hiểm, để khuyến khích bà con tham gia nhiều hơn, đã đưa ra các chính sách lãi suất, đại ý là bà con hãy góp tiền vào đây, bên cạnh quyền lợi về bảo hiểm (khi không may gặp rủi ro), bà con còn có lãi suất hàng tháng nữa. Tất nhiên số % lãi suất khi gửi tiền cho các quỹ bảo hiểm đương nhiên không thể nhiều như lãi suất ngân hàng chi trả, hoặc các quỹ đầu tư khác. Nó chỉ là “add on” thôi mà. Bằng một cách hiểu đơn giản nhất, gửi tiền vào bảo hiểm cũng là một hình thức tiết kiệm có lãi suất.


Xã hội hiện đại này, người ta đang “bảo hiểm” cho những gì?

Phàm là cứ chỗ nào tiềm ẩn “rủi ro”, ở đó có bảo hiểm.


Rủi ro gặp bệnh hiểm nghèo bất ngờ, có bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ. Nếu chúng ta “đóng” các loại bảo hiểm này hàng tháng với những khoản tiền nhỏ phù hợp, khi không may gặp bệnh, các quỹ bảo hiểm sẽ hiểu đơn giản là trả tiền viện phí, thuốc men… cho chúng ta. Tất nhiên là cách họ trả như thế nào và họ trả cho chúng ta bao nhiêu thì đã được quy định trong các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm, thứ mà chúng ta đã ký khi bắt đầu mua bảo hiểm. Chính vì thế cần phải đọc hiểu rất kỹ bản hợp đồng này. Gần đây xã hội thịnh hành bảo hiểm ung thư, cũng là một dạng thức bảo hiểm cho bệnh hiểm nghèo.


Chúng ta mua một chiếc ô tô mới, sợ rủi ro va chạm tự thân hoặc va chạm do xe khác đâm vào, hoặc bất kỳ rủi ro nào khác; có thể mua bảo hiểm cho oto. Đây là ví dụ của bảo hiểm tài sản.


Các doanh nghiệp có thể mua bảo hiểm để đề phòng các rủi ro về tài chính do thị trường hoặc các tác nhân gây ra, giúp bảo toàn vốn kinh doanh sản xuất…


Những nghệ sĩ nổi tiếng thậm chí có thể mua bảo hiểm cho một bộ phận cơ thể của họ (vốn rất “hot” như cổ họng để hát, cặp chân dài miên man để làm người mẫu…).


Mình cũng mới tìm hiểu về món này, nên các bạn có thể cùng đọc thêm và chia sẻ nhé.


Thế đi làm, bố mẹ cứ nhắc phải tìm công ty có đóng bảo hiểm xã hội cho, đó là gì?

Các “quỹ bảo hiểm” như nói ở trên thường phải là các “ông lớn”, có năng lực tài chính, năng lực quản lý điều hành các dịch vụ về bảo hiểm.


Nghĩa là không phải ai/ tổ chức/ doanh nghiệp nào thích là có thể đứng ra cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Ví dụ như các hãng bảo hiểm nước ngoài, ngoài rất nhiều điều kiện theo quy định của pháp luật dành cho doanh nghiệp ngoại quốc thì còn cần có ít nhất 7 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực này và có tổng tài sản tối thiểu tương đương 2 tỉ đô Mỹ vào năm liền trước năm xin giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Còn đối với doanh nghiệp trong nước, cần có tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng Việt Nam vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

Khi bạn bắt đầu đi làm, bố mẹ hay hỏi “Công ty con có đóng bảo hiểm cho con không?” Đó chính là hỏi về bảo hiểm xã hội.


Bảo hiểm xã hội là loại hình bảo hiểm do nhà nước tổ chức và quản lý nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất ổn định cuộc sống của người lao động và gia đình họ khi gặp những rủi ro làm giảm hoặc mất khả năng lao động.

Hệ thống các chế độ bảo hiểm xã hội: Theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO tại Công ước Giơnevơ năm 1952

  • Chăm sóc y tế;

  • Trợ cấp ốm đau;

  • Trợ cấp thất nghiệp;

  • Trợ cấp tuổi già;

  • Trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp;

  • Trợ cấp gia đình;

  • Trợ cấp sinh sản;

  • Trợ cấp tàn phế;

  • Trợ cấp cho người bị mất người nuôi dưỡng.

Ở Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện 6 chế độ

  • Bảo hiểm thất nghiệp;

  • Trợ cấp ốm đau;

  • Trợ cấp thai sản;

  • Trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp;

  • Trợ cấp hưu trí;

  • Trợ cấp tử tuất.

Quỹ bảo hiểm xã hội hình thành từ các nguồn thu sau: người sử dụng lao động (phần lớn là doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể…) đóng góp một phần; người lao động (tức là bạn) đóng góp một phần tiền lương của mình; thu từ các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và một phần do nhà nước đóng góp và hỗ trợ.

Bảo hiểm xã hội chi các khoản trợ cấp và chi phí cho người tham gia bảo hiểm xã hội trong các trường hợp:

  • Gặp phải các biến cố đã quy định trong chế độ bảo hiểm xã hội;

  • Người được bảo hiểm là thành viên của bảo hiểm xã hội;

  • Đóng bảo hiểm xã hội đều đặn;

  • Chi khác: chi quản lý, nộp bảo hiểm y tế theo quy định, chi hoa hồng đại lý, v.v…

Ở bài sau chúng mình sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về Bảo hiểm xã hội (nhà nước chủ trì, phi lợi nhuận) và các loại hình bảo hiểm mang tính chất thương mại khác :D, cũng như làm rõ những gì mà người lao động (chính là chúng mình) cần nắm về bảo hiểm xã hội, để có gì tự tin đàm phán với các chị HR của các công ty nhé.


15 views0 comments

Comments


bottom of page