top of page
Writer's pictureKate

Lòng biết ơn trong công việc và cuộc sống

Khi tôi mới chân ướt chân ráo ra khỏi trường, công việc fulltime đầu tiên của tôi là ở VTC Online, một văn phòng công ty nội dung số đình đám lúc bấy giờ (2012).



Toà nhà riêng chọc trời 21 tầng chồng lên ngay ngắn giữa một khu vực có tiếng là lộn xộn ở Hà Nội, vững chắc như lời tuyên bố rằng công nghệ và kỷ nguyên số sẽ mang tới ánh sáng chói chang xua đi những tối tăm lầm than của những thân phận bé nhỏ. Nội thất long lanh, hiện đại. Một mình cán bộ quèn như tôi lúc đó được ngồi ở một cái bàn làm việc to đủ cho ba người cùng ngồi, tủ riêng… rồi khuôn viên mọi thứ nhìn hiện đại lắm. (Giờ ngồi văn phòng bé bé mặt nhỏ thuê 7 củ/tháng, nghĩ lại tôi mới thấy cơ ngơi đó rực rỡ như thế nào).


Đồng nghiệp thì xúng xính và xinh xắn, người nước ngoài đi ra đi vô. Các cuộc họp thì đều phải được đặt trước (book) với bộ phận Office Management qua tool trên internet. Rồi những ý tưởng, rồi các cuộc gặp gỡ đối tác. Y như trong phim.


Trong bối cảnh xịn xò ấy, gần đến Tết. Mẹ tôi, trong trang phục của một “ninja click” chính hiệu với mũ bảo hiểm ôm trọn đầu, áo chống nắng hoa nhí…, “xông” lên tầng 12 và nhất định đòi gặp anh Giám đốc. Mẹ tôi mang theo nải chuối và một số hoa quả ở quê, nói là muốn lên cảm ơn vì các sếp đã thuê tôi về làm việc.


Hiển nhiên lúc đó tôi thấy phụ huynh mình phiền phức, và đành ngại ngùng tháp tùng cụ tới gặp các sếp (những người mà thời gian eo hẹp), cười ngại ngại và nhún vai ý thể hiện với sếp là “Anh biết đấy, các cụ đã muốn và có thành ý thì em cũng không cản được”.


Sau này mẹ tôi cũng luôn nhắc những vấn đề tương tự, khi thì đối tượng là cô chủ nhiệm lớp đại học, khi thì là thầy hiệu trưởng ngôi trường tôi đang công tác, khi thì là các đối tác nước ngoài đã chọn công ty của tôi để tư vấn. Sau những nỗ lực giải thích cho mẹ rằng “Xã hội hiện đại, quà cáp là không cần thiết. Các sếp vẫn sẽ cho tôi cơ hội nếu như tôi làm tốt mà chẳng cần phải con gà hay phong bì gì cả.” thì mẹ tôi vẫn… thế.


Sau này khi trưởng thành, tôi mới hiểu, những việc thăm nom tặng quà mà bố mẹ tôi đã luôn suy nghĩ đó, chính là một biểu hiện của lòng biết ơn. Và lòng biết ơn, đâu đó giữa xã hội hiện đại, nơi mà con người giao tiếp với nhau bằng con số và những giá trị lợi ích này, thật sự khó để kiếm tìm.


Trong cuộc sống

Thiếu sự biết ơn, con người ta không biết được sống khoẻ mạnh, có công việc đã là rất tốt.

Thiếu sự biết ơn (công sinh thành dưỡng dục), một đứa trẻ choai choai mới nói những lời tổn thương tới cha mẹ của mình.

Thiếu sự biết ơn (vì con đã ra đời, cha mẹ mới sát phạt, đánh chửi và cấm cản con cái)

Thiếu sự biết ơn (vì có học trò để dạy, có ngành giáo dục để mà tham gia), giáo viên mới bạo hành, mới thờ ơ với những giờ giảng

Thiếu sự biết ơn (vì có cô giáo, vì được học hành trong khi biết bao người không được đến trường), những đứa trẻ mới hoài phí thời gian vào những giờ học cho-nó-xong và phí hoài cuộc đời vào những trò vô bổ


Trong công việc

Thiếu sự biết ơn (vì có khách hàng để mà phục vụ), nhân viên bán hàng mắt không nhìn khách, thờ ơ, gắt gỏng

Thiếu sự biết ơn (vì có người phục vụ mình), khách hàng la lối, đòi hỏi, hằn học

Thiếu sự biết ơn, mối quan hệ giữa người bán – người mua luôn là những câu dằn vặt, xách mé, đổ lỗi và căn vặn

Thiếu sự biết ơn, môi trường công sở trở nên độc hại, người nọ đối phó người kia.

Thiết nghĩ, mỗi người, mỗi ngày, chỉ chậm lại một chút và biết ơn nhiều hơn với những gì nhận được từ cuộc sống này, từ công việc này, thì đời sống đã không khó khăn đến thế, bức tranh màu xám có thể chuyển sắc thành màu xanh.

Quay lại với câu chuyện ngày xưa, chỉ mình tôi, trẻ tuổi, sĩ diện hão mới nghĩ là hành động thăm hỏi đó của mẹ tôi là phiền phức và có phần lỗi thời rồi. Các sếp tôi cực kỳ trân trọng và tiếp mẹ tôi cả buổi, còn chụp hình và nói chung vui vẻ với chuyến viếng thăm đặc biệt.

Có lẽ lại thêm một sự bổ sung cho khái niệm của một người trưởng thành, đó là trưởng thành là khi biết mang ơn.

234 views0 comments

Comments


bottom of page