top of page
Writer's pictureKate

Lược sử thời trang tối giản

Vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, một làn sóng cảm hứng và ý tưởng mới đã được nhiều nghệ sĩ trẻ rất yêu chuộng - thay vì tập trung vào một biểu tượng hay nội dung cụ thể thì họ tập trung vào tính chất của sản phẩm, chính là "chủ nghĩa tối giản" mà chúng ta biết tới ngày nay.


Hình thức nghệ thuật này ủng hộ sự "thoải mái" hơn là "cá tính". Nói cách khác, những tác phẩm nghệ thuật trong thời kỳ này làm mờ đi cái "tôi" và đi ngược với phong cách biểu cảm trừu tượng. Những người đi theo chủ nghĩa này cố gắng tách "bản sắc" và "cảm xúc" của họ khỏi tác phẩm của chính mình. Sự phủ định nhân cách này cùng với một số ý tưởng không chính thống đi ngược lại các khái niệm về mỹ thuật truyền thống, đã mang tới việc sáng tạo ra những mảng hình học đẹp mắt, hoàn toàn khác với sự hấp dẫn thẩm mỹ thông thường của thời đại.


Chủ nghĩa này nhanh chóng phát triển và lan rộng trong nhiều lĩnh vực và xu hướng của xã hội, trong đó có thời trang. Thế kỷ 20, khi phụ nữ bắt đầu đóng vai trò quan trọng hơn trong xã hội, đương nhiên trang phục của họ cũng ít hạn chế đi, thực tế hơn và cũng đơn giản hơn. Những sắp xếp về hình khối của thập niên 60 cũng mang tới những thiết kế gọn gàng hơn, với sắp xếp hợp lý và đơn giản hơn, mang tới không chỉ những yếu tố mới cho tương lai của thời trang mà còn cho lối sống và cả nhiều sản phẩm tiêu dùng khác.

Tối giản sau đó đã ảnh hưởng rất sâu đậm đến ngành thời trang trong nhiều thập kỷ, mà một trong những ví dụ đáng chú ý nhất là Yves Saint Laurent với bộ sưu tập Mondrian nổi tiếng, lấy ý tưởng trực tiếp từ De Stijl (hay còn gọi là Neoplasticism, một phong trào nghệ thuật của Hà Lan ra đời từ năm 1917) - kết hợp đường nét sạch sẽ (dọc hoặc ngang), hoa văn hình học với những màu sắc trắng đen hoặc cơ bản.

Sau đó, những nhà thiết kế nổi tiếng Nhật Bản như Yohki Yamamoto, Rei Kawakubo của Comme des Garcon cũng gia nhập xu hướng này, khiến cho trường phái tối giản ngày càng trở nên tinh vi hơn với tính đơn sắc, thiết kế bất đối xứng - và xuất hiện tràn ngập tuần lễ thời trang Paris vào những năm 1980. Cuối những năm 90, Calvin Klein giới thiệu chủ nghĩa tối giản phong cách Mỹ với một số bộ sưu tập Đơn sắc, đơn giản và cũng vô cùng tinh gọn.

Sau suốt một thời gian dài thiết kế thời trang có phong cách phức tạp và nhiều khi rườm rà, thiết kế tối giản đã trải qua một sự hồi sinh và trở thành trào lưu được ưa chuộng nhất trên giới thời trang, với những cái tên đáng nhớ của Alexander Wang, Raf Simons, Jil Sander hay John Elliott.

Vẻ đẹp của sự tối giản hiện đại không chỉ xuất hiện trên sàn diễn, mà ngày càng được ứng dụng nhiều hơn trong những trang phục ứng dụng và dạo phố hàng ngày.

Cuộc cách mạng nữ quyền với phong cách tối giản đến từ Coco Chanel

Trước những năm 1900s, thời trang của người phụ nữ thường được biết đến với những chiếc mũ đầy lông chim, tràng hạt hay những bộ đồ corset ngạt thở.


Nhưng chỉ khi đến năm 1910, trước khi Thế chiến thứ I xảy ra, với sự xuất hiện của chiếc mũ tinh giản được tự tay thiết kế bởi Coco Chanel, bà mang đến những thiết kế có phong cách hoàn toàn mới. Không trưng trổ xa hoa, giảm bớt kiểu cách, những quần áo do bà thiết kế được lấy cảm hứng từ tủ đồ của nam giới, ứng dụng cho đời sống và sự vận động. Chất liệu của những trang phục này được làm từ các loại vải chưa từng được chú ý đến trước đây như tricot, jersey và flannel.


Với các loại vải bền và co giãn, sự tiêu giảm của đường ‘chiết eo’ và ngắn lên của độ dài váy, những thiết kế của Coco Chanel là lựa chọn lý tưởng cho phụ nữ: thời trang có tính ứng dụng mà vẫn có thể di chuyển, sống, và làm việc trong chúng thay vì bó mình trong những chiếc corset ngạt thở.

Có thể nói, Coco Chanel, tuy không phải là người tiên phong, nhưng chắc chắn là người thay đổi hoàn toàn cục diện thời trang u châu và cả thế giới với tư duy thiết kế mang nguyên lý thời trang tối giản của mình, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cách mạng nữ quyền.


Theo: Ngọc Phương

12 views0 comments

Comments


bottom of page