top of page
Writer's pictureKate

Người làm PR phải rành viết lách và đây là cách luyện tập

Chắc chắn là phải viết rồi. Kỹ năng cơ bản nhất, quan trọng nhất là cũng đòi hỏi cao nhất trong nghề PR chính là VIẾT cơ mà.

Có thể bạn chưa viết tốt, nhưng bạn cần biết làm thế nào để viết tốt. Đó là năng lực cốt lõi của một người làm PR. Ngành PR đã phát triển hơn một thế kỷ qua trên toàn cầu, và cho dù sự tiên tiến của công nghệ đang làm thay đổi nhiều phương thức PR truyền thống thì nếu bạn không thể viết được thứ gì đó tử tế, bạn hãy quên nghề này đi.



Công việc PR đòi hỏi tôi phải viết mỗi ngày. Với gần 10 năm trong nghề, tôi luôn dành một khoảng thời gian thoải mái và dễ chịu nhất trong ngày để viết. Tôi viết thông cáo báo chí, viết bài quảng bá, viết nội dung trên các kênh truyền thông xã hội, viết email, viết báo nội bộ, viết blog… Và chắc chắn, suốt quãng thời gian hành nghề, tôi đã tập luyện, đã được học và dạy để viết đúng theo những gì mình được yêu cầu. Nhưng tập luyện thôi chưa phải điểm mấu chốt, bởi căn bản phải ở tư duy mà ra.


Nghiên cứu đã chỉ ra rằng muốn viết tốt, các bạn cần có tư duy phản biện (critical thinking). Và giống như cách mà các giáo sư vẫn thường nhắc tôi khi lên lớp “Creative Writing” (Viết Sáng tạo), đó là ngoài tư duy phản biện, chúng tôi cần học cách phân tích thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả, bám sát “deadlines”, hướng đến những ý tưởng mới mẻ, nhận thức được thế giới quan xung quanh, mở rộng vốn từ vựng, biết cách trình bày rõ ràng, súc tích.


Hãy thực hành viết càng sớm càng tốt. Trước khi bắt tay vào luyện tập, chúng ta cần có kiến thức về việc “Viết gì?”. Mỗi loại hình sản phẩm cần được viết như thế nào, định dạng ra sao? Dung lượng nên ở khoảng bao nhiêu? Từng loại hình cần đạt được những yêu cầu cơ bản gì? Hãy thử tìm hiểu những thông tin sau:

  • Thế nào là một tin tức? Tin ngắn? Tin sâu?

  • Thế nào là một bài phân tích? Bài phỏng vấn?

  • Xã luận là gì? Phóng sự là gì? Phóng sự điều tra là gì?

  • Báo cáo, bài phát biểu cần có văn phong thế nào? Cần giải quyết được vấn đề gì?

  • Thông cáo báo chí là gì? Thông tin trên thông cáo báo chí được bố trí như thế nào?

  • Bài viết khoa học là gì?

Sau khi đã hiểu được sự khác nhau của từng loại, chúng ta cần bắt tay luyện tập. Khi tôi còn là một sinh viên năm nhất, một người chị trên tôi ba khóa, khi ấy là trưởng nhóm truyền thông cho một dự án tình nguyện quốc gia mà tôi đang làm tình nguyện viên, có giao cho chúng tôi một dạng bài tập như sau: Viết một tin tức dài 100 chữ phản ánh sự kiện mới nhất vừa diễn ra của tổ chức tình nguyện. Viết một cách bản năng và không sợ sai.


Mẩu tin đã được biên tập tôi nhận được bị gạch chi chít lỗi. Sau đó là những yêu cầu khác từ chị:

  • Yêu cầu số 1: Tự viết lại tin tức đó thành 10 phiên bản khác nhau, mỗi phiên bản lựa chọn một ý trong bài làm ý chính.

  • Yêu cầu số 2: Tự viết lại tin tức đó, thay tất cả những động từ chính trong mỗi câu đang dùng bằng động từ/cụm động từ khác có ý nghĩa tương đương.

  • Yêu cầu số 3: Tự viết lại tin tức đó, thay tất cả những diễn đạt đang ở thể bị động về thể chủ động.

  • Yêu cầu số 4: Tự viết lại tin tức đó, tìm cách làm phong phú các cụm trạng ngữ, bổ ngữ, các đoạn diễn giải

  • Yêu cầu số 5: Tự viết lại một tin tức, kết hợp những điều trên và rà soát lại một lần cuối, không để lại bất cứ một lỗi chính tả hay lỗi đánh máy nào.

  • Yêu cầu số 6: In tin tức đó ra, lưu vào cuốn sổ học viết để sau này nhìn lại.

Đây là dạng bài tập thực sự có ích. Sau này tôi hiểu nó chính là một dạng nghiên cứu nhỏ, trong đó người học viết cần chủ động tìm hiểu, làm rộng vốn từ, làm sâu khả năng lựa chọn thông tinlàm mới cách diễn đạt bằng những cú pháp câu chữ chặt chẽ, khoa học.


Sau này, tôi có gặp lại bài tập tương tự như vậy khi học phần Viết trong PR ở trường đại học. Ở đây, tôi và các bạn cùng lớp đã làm đi làm lại việc phân tích các thông tin đưa ra trong một thông cáo báo chí mẫu của một doanh nghiệp, lựa chọn ra các nhóm thông tin quan trọng trong thông cáo đó, sắp xếp chúng theo thứ tự giảm dần độ quan trọng và mỗi đứa trong số chúng tôi sẽ viết chúng thành một bản có cách diễn đạt khác nhau về câu chữ, nhưng vẫn bảo toàn các ý với độ quan trọng.


Có một điểm yếu liên quan tới kỹ năng viết của nhiều bạn trẻ làm PR tôi đã từng gặp và làm việc chung, đó là không-thể-viết-ngắn-gọn. William Faulkner từng nói: “Ernest Hemingway chưa bao giờ biết sử dụng một từ mà khiến độc giả phải sử dụng từ điển.” Hemingway liền chế giễu: “Thật đáng buồn Faulkner ạ, hóa ra ông thực sự nghĩ rằng những cảm xúc mạnh mẽ đến từ những từ ngữ phức tạp hay sao?”


Vậy nên, hãy tập viết ngắn gọn. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể viết vừa hay vừa ngắn gọn như Hemingway. Và tôi cũng không thực sự tin rằng mọi sinh viên học PR tại Việt Nam ra trường đều có khả năng viết tốt chỉ sau một vài tín chỉ trong vài chục giờ học trên lớp. Khả năng chỉ chiếm 1%, còn lại 99% là sự tập luyện để đạt tới kỹ năng viết đúng, đủ, thuần thục và lưu loát.


Tôi thiết nghĩ, giá như các lớp học PR có thể cho phép sinh viên gặp gỡ và làm việc với một khách hàng thực tế, cung cấp cho các bạn những kinh nghiệm trong việc viết các loại văn bản và tập trung trang bị những cách thức để các bạn biết làm thế nào để cải thiện khả năng viết của mình. Giá như các chương trình đào tạo PR tại Việt Nam ưu tiên nhiều thời gian hơn để định hướng tư duy và rèn luyện kỹ năng viết cho học viên. “Practices make perfect”, tôi tin thế. Bởi như đã nói, tài sản quý giá nhất của người làm PR chính là thông tin. Vậy hãy bắt đầu bằng cách làm quen với thông tin, học về thông tin, tìm hiểu về thông tin, làm ra thông tin và nhào nặn nhuần nhuyễn với thông tin.

Ngày 7/9/1982, huyền thoại “Mad Man” David Ogilvy đã gửi một thông điệp nội bộ tới toàn bộ nhân viên trong công ty với tiêu đề “Viết như thế nào”. Những thông điệp của ông về “Viết trong PR”, đó là:
  1. Người tư duy tốt, sẽ viết tốt.

  2. Viết tốt không phải khả năng tự nhiên, ai cũng cần phải HỌC!

  3. Viết theo cách mà bạn nói. Một cách tự nhiên!

  4. Sử dụng các từ NGẮN, câu NGẮN và đoạn NGẮN.

  5. Không viết rập khuôn, ngắt từ bừa bãi, cảm tính, phán xét.

  6. Đừng viết dài quá 2 trang cho một nội dung.

  7. Kiểm tra lại các trích dẫn.

  8. Đừng bao giờ viết và gửi bản thảo trong cùng một ngày. Hãy đọc lại vào buổi sáng hôm sau và biên tập lại!

  9. Trước khi gửi email/bản thảo, hãy chắc chắn về những gì bạn muốn người nhận làm.

  10. 10. Nếu bạn muốn HÀNH ĐỘNG, đừng VIẾT. Hãy gặp trực tiếp và bày tỏ mình muốn gì!


83 views0 comments

Comments


bottom of page