top of page
Writer's pictureKate

Những bài học từ cuốn sách Hồi ký Lý Quang Diệu – Câu chuyện Singapore


1.

Mình đã bắt tay viết cuốn sách về những trải nghiệm của mình trong hơn 10 năm sống, lao động và học tập ở Hà Nội. Mình đang ở trong chuỗi ngày của sự bối rối ghê lắm. Ngay cả khi nắm trong tay mớ lý thuyết của việc viết, các nguyên tắc viết lách ngắn gọn, logic, khoa học bấy lâu nay, mình vẫn cảm thấy ngộp thở thực sự với áp lực phải sắp xếp hàng trăm ngàn câu chuyện, tri thức lớn nhỏ vào một outline sao cho khoa học, giàu thông tin mà vẫn phải chân thực, hấp dẫn.


Phải đến năm năm nay mình không đọc cuốn sách văn học/ tiểu thuyết viễn tưởng nào, mình chỉ toàn đọc hồi ký, du ký. Mình bị cuốn hút say mê vào những câu chuyện kể về trải nghiệm của những người khác. Đọc chúng không chỉ cung cấp cho mình thêm cơ man là tri thức hiểu biết theo chuyên môn của tác giả, mà còn giúp mình học hỏi được cách mà mỗi tác giả bố trí cuốn sách của mình. Mình đọc câu chuyện, đọc cả cách họ viết sách.

Mình đọc hỗn loạn lung tung, không theo trình tự nào, và cố gắng tự nhủ rằng việc chọn ngẫu nhiên đó cũng là một hình thức kích hoạt não bộ (bằng cách nạp vào dữ liệu ngẫu nhiên) cho quá trình sáng tạo sau này.


Nếu bạn nào quan tâm đến mình và có dõi theo thì biết mình cũng vừa trải qua một quãng thời gian khó khăn, khởi sự doanh nghiệp va vấp với đống hổ lốn quan hệ trên thị trường, sinh con và chịu áp lực tự sinh về chuyện làm một người mẹ hiện đại, mình mới rebuild lại các business nho nhỏ của mình và hàng ngày vẫn đang phải dealing với rất nhiều thứ, trong đó có chuyện cộng sự và tài chính. Tuy không quá khó khăn như cách đây vài ba năm nhưng cũng không hẳn là không khiến mình bận tâm điều gì.


Ngay cả trong những tháng ngày ở cữ, mình cũng chưa từng một ngày ngừng đọc. Con chữ, các câu chuyện, các kinh nghiệm, các triết lý theo mình vào trong cả những giấc mơ… Và mình luôn có cảm giác còn việc gì đó chưa hoàn thành, cuốn sách nào đó đang dang dở.


Đống hoài nghi về chính những giá trị mình đang theo đuổi; rồi sự tự vấn về chuyện liệu mình có phải là một người mẹ ích kỷ khi không cố-một-tí để kiên nhẫn hơn tồn tại trong một big corp, lãnh lương đều đặn và dành thời gian nấu ăn cho con mỗi ngày… hay nỗi cô đơn trên chặng đường của một người làm doanh nghiệp nhỏ biết trước tương lai của các doanh nghiệp nhỏ với những nhận định rõ ràng về các thách thức, các lựa chọn… hoặc thi thoảng cũng bị ảnh hưởng tâm lý của những lần tự nhìn lại lá số tử vi… Rất nhiều áp lực như vậy dồn lên vai và khi quá đuối mình lại chọn cách nạp thêm chữ nghĩa vào đầu bằng cách đọc hồi ký, du ký.


Ngộp càng thêm ngộp ), nhưng như thể là một sự hành xác, mình thích thú với kiểu hành hạ bản thân như vậy.


Trước đây cũng vậy, cứ thấy buồn là auto lôi sách ngoại ngữ ra học, thấy cô đơn hay hoài nghi là vọc công nghệ, thâu đêm suốt sáng.


2.

Trần đời mình sợ nhất các kỳ nghỉ. Không được/ phải làm việc mình thấy bản thân mình mất đi nhuệ khí và đầu óc trống rỗng. Tất nhiên ai cũng nói đây là dịp để nghỉ. Nhưng bạn nào đang là founder của một business nhỏ chắc hiểu “nghỉ” là điều gì đó xa xỉ với những ai đang phải chịu trách nhiệm với dù chỉ một nhân sự phía dưới. Đi nghỉ bao giờ mình cũng ôm theo một/ một vài cuốn sách, kindle bất ly thân. Và lần này, trộm vía mát trời, em bé ngoan, lịch trình tự thân dễ chịu, mình đọc lại lần thứ hai cuốn Hồi ký của ông Lý Quang Diệu


Đọc Hồi ký của các chính trị gia nhiều khi mang lại cảm xúc như xem Avengers… đọc xong như thể thúc giục chúng ta gập sách lại và lao ra đường để làm-việc-nghĩa có sức ảnh hưởng to lớn với toàn nhân loại.

Cuốn sách của ông Lý Quang Diệu còn truyền nhiều cảm hứng để sống tốt hơn thế.


Dưới đây là một số bài học mình đã đúc kết ra, cho chính hành trình tuy đầy hy vọng nhưng cũng vô cùng cô đơn trước mắt của bản thân, cũng như cho những ai còn cần một điểm tựa trên hành trình sống và lao động rất dài trước mắt. Mình đã không thể để đợi về Hà Nội mà phải cầm điện thoại lên gõ luôn và ngay, và chắc chắn mình sẽ đọc lại nó.


#1. Học hành nghiêm túc và khoa học là cực kỳ quan trọng, nhất là với người xuất thân nghèo. Và cần học nghề độc lập.


Lý Quang Diệu xuất thân không nghèo, vì đời cụ và ông nội của ông đã nỗ lực để có của ăn của để… đến nỗi bố ông cũng là một người không được nói đến nhiều như là một cá nhân chăm chỉ và cầu tiến… nhưng thế thời chính trị của đảo quốc nơi ông sinh ra biến gia đình ông từ giàu có thành tay trắng chỉ trong một tày gang. Suốt thời ấu thơ những người phụ nữ tháo vát (nhưng không được khuyến khích ra ngoài đi làm) trong gia đình đã gò ông vào việc cần phải học, học một cách khoa học, học nghề độc lập để sau này dù chính trị và nền kinh tế có thay đổi ra sao thì bản thân vẫn tự lo được cho mình.


Chuyện này bố mẹ mình khi xưa cũng hay dạy dỗ mình như vậy, nếu con có một cái nghề khoa học cơ bản như là bác sĩ, luật sư, toán học… thì sau này con không bao giờ phải lo lắng vì xã hội thời nào cũng cần những lao động trong các ngành nghề cơ bản cụ thể đó.


Lý Quang Diệu học trường của những người da trắng thượng đẳng, ông có nhiều người bạn xuất thân giàu có nhưng vẫn giỏi giang số dzách. Sau này họ đều trở thành những người quan trọng.


Bill Gates từng phát biểu một trong những điều khiến ông ấy không hài lòng nhất ở bản thân chính là việc bản thân mình lại trở thành một ví dụ khiến cho lớp trẻ hô hào nhau rằng không cần học đại học vẫn có thể trở thành tỉ phú.


Đúng vẫn có những người không học hành bài bản lắm nhưng vẫn thành công, nhưng tỉ lệ đó cực kỳ cực kỳ ít, và cái thời đó cũng qua lâu rồi. Giờ người có học rất nhiều, họ còn giàu nữa. Nếu bạn muốn thay đổi cuộc đời và tự do hơn, mà bạn đang lười học (bất cứ là học cái gì)… thì bạn nghĩ xem mùa xuân đó liệu có đến dễ dàng hay không?


#2. Trọng việc nhỏ. Ắt có ngày được làm chuyện lớn lao hơn. Ông Lý Quang Diệu từng đi làm thư ký, người đánh máy, làm hồ keo và rủ những người thân trong gia đình và bạn bè cùng làm để bán khi đất nước khó khăn vì bị Nhật chiếm đóng, có kế hoạch cùng cả nhà về miền quê trồng khoai để mưu cầu một cuộc sống an toàn về tính mạng trong thời kỳ chiến tranh phức tạp, làm điểm tin quân sự vào những giờ giấc tréo nghoe, làm tư vấn luật cho các hiệp đoàn không có tiếng nói lắm trong xã hội…

Không nề hà những việc nhỏ, việc tay chân, việc dễ dàng khi còn trẻ và còn cần tìm hiểu về thế giới lao động… thì sẽ luôn gặt hái được điều gì đó phục vụ cho những công việc lớn lao sau này. Các bạn đọc sách sẽ rõ hơn.


#3. Nhảy việc trong những năm tháng đầu đời là hoàn toàn bình thường. Nhất là khi bạn xuất thân không có sẵn nhiều cơ hội. Bạn cố gắng hết sức trong những lần đi làm đầu tiên trong đời (hoặc chưa hẳn hết sức) những mỗi lần nhảy việc đi qua là bạn đều đã có những bài học mới từ sự quan sát của mình.

Những công việc kể trên ông Lý Quang Diệu thường cũng không làm quá được 6 tháng 1 năm cho đến khi ông thực sự tìm ra con đường của mình.

Mình cực kỳ cực kỳ không vui gì cả với những người cứ nhìn vào lịch sử nhảy việc của ứng viên và áp đặt rằng họ thế này thế khác. Những nhà tuyển dụng như vậy có lẽ nên hiểu rằng cuộc sống ở đô thị Việt Nam quá phức tạp và nhân sự trẻ hầu như chẳng có cái may mắn được dẫn đường chỉ lối cho xem nên làm thế nào, làm ở đâu cho tử tế, và họ thì vẫn cần tiền để đóng nhà trọ và ăn mỗi tháng, cũng chưa đủ chín chắn để dám chọn chậm một tí nhưng chọn đúng. Cá nhân mình cho rằng tốt nghiệp 5 năm mà tìm được con đường mình thực sự muốn đi đã là những người may mắn. Thị trường lao động có ổn định đâu mà đòi nhân sự phải gắn bó.


#4. Những quan sát về người Anh – người Nhật trong vai trò là quân chiếm đóng Singapore mang đến rất nhiều suy ngẫm.

Những người Anh với thượng tôn kỷ luật theo kiểu quý tộc từ ăn mặc nói năng đến hành xử xã hội; những người Nhật cũng là kỷ luật nhưng là thứ kỷ luật phát triển từ tinh thần khắc nghiệt tàn bạo, quyết liệt. Những quan sát, câu chuyện kể và mô tả này của ông Lý Quang Diệu giúp chúng ta hiểu hơn cả về một giai đoạn của lịch sử các cuộc chiến trên thế giới; giúp chúng ta hiểu về đặc tính dân tộc của các đất nước nêu trên trong một giai đoạn ảnh hưởng như thế nào đến họ ngày nay. Sách cũng nói rất nhiều đến những người gốc Malaysia với ám ảnh đánh mất chủ quyền vào tay những người nhập cư thông minh, linh hoạt dẫn đến hàng loạt phân biệt đối xử của họ.


#5. Sách cho ta biết, cuộc đời ai cũng cần có những mối quan hệ bền vững, giá trị mà những mối quan hệ đó có thể bắt đầu từ những sự tử tế rất nhỏ ta làm vô thức mỗi ngày bằng cách luyện rèn. Sau này ta có thể va vào những người bạn cũ bất cứ khi nào, trong những địa vị xã hội cần quan tâm. Sự tử tế từ khi ta chưa có gì trong tay, làm nên nhân cách của ta, giá trị của ta ngày sau. Việc giữ gìn và duy trình hành xử tử tế không hề dễ dàng gì, nhất là trong thời thế đầy cơ hội như hiện nay. Nhưng nếu làm được thì bản thân ta là người sẽ biết ơn những chuyện đó hơn cả.


Hôm trước mình có đọc một bài viết trên lifehack. Đại ý là Hãy chỉ khởi nghiệp khi bạn có trong tay các mối quan hệ tốt của cả/ phần lớn chuỗi cung ứng. Mình thấy thấm thía vô cùng. Mình nghĩ đây mới là chân lý cho các bạn định khởi nghiệp. Một khi network của bạn chưa có một anh tư vấn luật, một mentor về tài chính, một chuyên gia về thị trường, một người giỏi về truyền thông, những nhà cung ứng vật liệu sản xuất, quan chức địa phương, cung ứng vận chuyển, chuyên gia công nghệ, người rành phân phối hàng ra nước ngoài… thì đừng nghĩ vội đến chuyện khởi nghiệp.


#6. Sách cũng cho ta hiểu một điều rằng ngay cả khi ta đã dành cả cuộc đời để theo đuổi một giấc mơ, thậm chí đã đạt được giấc mơ ấy, thì diễn biến của cuộc đời cũng sẽ làm nó sụp đổ chỉ trong một tích tắc mặc cho ta hay các đồng minh tin cậy và uy tín có dành bao nhiêu nỗ lực. Chính vì thế ta cần phải chấp nhận thay đổi chính bản thân mình để lại tiếp tục đi trên những con đường mới, làm ra kỳ tích mới, chứ không thể đi mãi con đường cũ. Ý là vạn vật thay đổi là chuyện khó tránh, hãy chuẩn bị tinh thần.


3.

Nói chung mình rất nể phục các bác doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Các bác quả là những người chịu áp lực giỏi vô cùng. Chỉ với một số business nho nhỏ của bản thân và độ 10 người hưởng lợi, mình đã luôn tục phải tìm cách động viên mình tích cực và khoa học hơn. Thế mà các bác chịu trách nhiệm trước hàng chục, hàng trăm ngàn con người (và gia đình của họ). Nếu các bạn cũng như mình, hoặc ở trong trạng thái tệ hơn mình, hãy cùng đọc sách đi các bạn ạ. Hãy đọc hồi ký và du ký của các nhân vật gần mình. Các bạn chắc chắn sẽ có thêm động lực để tiếp tục học tập và lao động.

Từ sông Hương, con sông nối liền hai thế giới cổ điển và hiện đại của thành phố Huế…

7 views0 comments

Commentaires


bottom of page