top of page
Writer's pictureKate

Những điều cần biết về phương pháp tiếp cận Reggio Emilia trong giáo dục mầm non

A - Nguồn gốc

Reggio Emilia được khởi nguồn từ ngôi làng cùng tên tại Italia. Trong thế chiến thứ II, ngôi làng này bị tàn phá bởi chiến tranh, nhiều người bỏ mạng trên chiến trường. Khi hòa bình lập lại, dân làng phải xây dựng lại cuộc sống của họ, hướng đến xây dựng một nền kinh tế và xã hội phát triển, đặc biệt chú trọng đến giáo dục.


Họ quyết định bắt đầu bằng việc xây dựng một ngôi trường mầm non mang tên Diana. Dân làng hy vọng mô hình trường học kiểu mới nơi mà trẻ em tin tưởng và tôn trọng sẽ giúp con cái của họ có một tương lai tốt hơn.


Mô hình trường học kiểu mới này chính là sự áp dụng của phương pháp tiếp cận Reggio Emilia do nhà tâm lý học Loris Malaguzzi hình thành với giá trị cốt lõi là lấy trẻ em làm trung tâm. Sau này, Loris Malaguzzi có bổ sung thêm các ý tưởng từ các phương pháp giáo dục khác để phát triển Reggio.


Trong những năm 1960, Hội đồng Địa phương thành phố Reggio Emilia đã nhận trách nhiệm quản lý và phát triển một mạng lưới các trường mầm non sử dụng phương pháp tiếp cận Reggio Emilia.


Đầu những năm 1990, trường mầm non Diana được chứng nhận là một trong những trường mầm non tốt nhất thế giới. Vì thế, năm 1994, tổ chức Trẻ em Reggio Emilia được thành lập để quản lý sức ảnh hưởng của phương pháp này và những công việc mà Loris đã xây dựng.


B - Quan điểm giáo dục

Quan điểm giáo dục của phương pháp này dựa trên bốn nguyên tắc:

  • Trẻ em có khả năng tự xây dựng việc học tập của mình

  • Trẻ em cần được học thông qua các trải nghiệm sờ nắn, di chuyển, lắng nghe và quan sát

  • Trẻ em có mối quan hệ với nhau và với mọi sự vật trên thế giới mà chúng có thể khám phá

  • Trẻ em cần có phương pháp và cơ hội không giới hạn để thể hiện bản thân.

Phương pháp tiếp cận Reggio Emilia đặt sự phát triển tự nhiên của trẻ và các mối quan hệ xung quanh chúng làm trung tâm của triết lý. Nền tảng của của phương pháp tiếp cận này là thông qua cái nhìn độc đáo của trẻ để thúc đẩy và phát triển tiềm năng và tính cách riêng của chúng, hướng đến đóng góp tự thân cho cuộc sống.


“100 ngôn ngữ của trẻ”

Loris Malaguzzi nghĩ ra thuyết “100 ngôn ngữ của trẻ”, là lý thuyết dẫn đường cho phương pháp tiếp cận Reggio Emilia.


“100 ngôn ngữ của trẻ” là nói đến hàng trăm cách mà trẻ em có thể thể hiện bản thân và giao tiếp với xung quanh bằng cả trăm ngôn ngữ: ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, các ngôn ngữ nghệ thuật như âm nhạc, điện ảnh, hội họa, ngôn ngữ cơ thể và cảm nhận về các sự vật xung quanh.


Khi được tiếp cận kiến thức theo học thuyết này, trẻ được lắng nghe và cung cấp các lối tư duy đa chiều để suy nghĩ, xây dựng, đàm phán, đánh giá, tái đánh giá, sửa đổi và thể hiện cảm xúc.


Trẻ sẽ được khuyến khích mô tả hiểu biết của mình thông qua những cách riêng biệt như vẽ tranh, viết văn, sáng tác nhạc, điêu khắc...


Mỗi đứa trẻ, theo học thuyết này, là một cá thể riêng biệt, được thúc đẩy phát triển dựa trên tiềm năng và sự lựa chọn của chính trẻ.

Tiếp thu kiến thức thông qua các dự án


Trong phương pháp tiếp cận Reggio Emilia, các dự án được cho là phương tiện học tập hiệu quả bởi qua đó, trẻ được kích thích tư duy sáng tạo cùng các khả năng tiềm ẩn khác.


Các chủ đề của dự án xuất phát từ sự tò mò và khám phá của trẻ, các mối quan tâm xã hội của phụ huynh và giáo viên hoặc các sự kiện có được sự chú ý của trẻ em và giáo viên.


Bất kể khởi nguồn của dự án là gì, một dự án thành công là khi nó có thể tạo ra sự quan tâm và sự sáng tạo của trẻ, giúp trẻ tự giải quyết các vấn đề thực tế và mở ra những con đường khám phá kiến thức khác nhau.


C - Lợi ích

  • Kích thích trí tò mò, khả năng quan sát của trẻ

  • Tạo nên sự yêu thích khám phá và học tập của trẻ

  • Phát triển khả năng tưởng tượng và sáng tạo của trẻ thông qua các hoạt động sờ, nắn, vẽ, sáng tác

  • Phát triển khả năng làm việc nhóm

  • Hình thành cho trẻ một mối quan hệ gắn bó và tình yêu với thiên nhiên


D - Vai trò trong phương pháp tiếp cận Reggio Emilia


Vai trò của trẻ em

Trẻ nắm vai trò chủ đạo trong phương pháp tiếp cận này, trẻ được chủ động đề xuất và sáng tạo ra phương thức học tập của chính mình dựa theo sở thích, các phát hiện riêng và mối quan tâm của trẻ. Do đó, theo phương pháp này, người lớn không áp đặt các kiến thức và phương pháp của bản thân lên trẻ.

Trẻ em là có mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè và cả những người khác. Vì thế, trẻ có nhu cầu giao tiếp và thể hiện bản thân rất lớn. Thông qua Reggio Emilia, trẻ dùng những chuyển động, hoạt động nói, viết, các bức tranh, vở kịch, âm nhạc để truyền tải suy nghĩ của mình với mọi người xung quanh.


Vai trò của giáo viên


Trong phương pháp Reggio Emilia, giáo viên được coi là người đồng hành và đối tác của trẻ. Giáo viên gợi mở, khuyến khích và cùng trẻ học và tiếp cận kiến thức, thấu hiểu trẻ bằng cách đặt thêm câu hỏi và tích cực tham gia vào các hoạt động của trẻ.


Khi tham gia các hoạt động cùng trẻ, giáo viên lắng nghe và quan sát trẻ trong các hoạt động và các dự án trong lớp học, ghi lại các mối quan tâm và phát hiện của trẻ. Qua sự quan sát này, giáo viên sẽ lập các kế hoạch chuẩn bị, bố trí, thay đổi kế hoạch và học liệu phù hợp với nhu cầu và sở thích của trẻ.


Đồng thời, chính giáo viên và các nhà quản lý giáo dục cần không ngừng tìm hiểu và trau dồi bản thân và trở thành một nhà nghiên cứu thực sự thông qua việc đặt câu hỏi và trao đổi với trẻ và cha mẹ của trẻ.


Sự tham gia của cộng đồng và cha mẹ


Các mối tương tác xã hội là một yếu tố quan trọng của phương pháp Reggio Emilia. Bởi vậy, sự gắn kết của việc học tại nhà trường với những người có liên quan đến các hoạt động của Nhà trường sẽ hỗ trợ rất lớn trong việc học của trẻ, giúp trẻ mở rộng tư duy và lối suy nghĩ.


Cha mẹ đóng vai trò cộng tác viên, đối tác và người ủng hộ của con cái họ. Giáo viên cũng tôn trọng phụ huynh như người thầy đầu tiên của trẻ. Bởi vậy, phụ huynh luôn liên quan đến mọi khía cạnh trong chương trình giảng dạy và sẽ là những tình nguyện viên nhiệt huyết trong các lớp học Reggio. Phụ huynh cũng đồng thời thảo luận với giáo viên và các nhà giáo dục về mối quan tâm của trẻ, cùng lập kế hoạch và đánh giá quá trình phát triển của trẻ và chương trình giảng dạy của trường.


Vai trò của môi trường


Theo Malaguzzi, môi trường là “người giáo viên thứ ba” của trẻ ở độ tuổi mầm non. Môi trường chính là nơi thu hút sự chú ý và khơi gợi tình yêu cái đẹp của trẻ. Một môi trường theo hệ thống trường Reggio cần tạo ra sự sống động, sự chào đón với trẻ mỗi ngày đến trường, kích thích sự tìm tòi của trẻ, giúp trẻ thể hiện và tìm kiếm cái đẹp.


Không gian cần có sự mở rộng và sự kết nối ra bên ngoài và sử dụng ánh sáng trực tiếp, giúp trẻ gần gũi với thiên nhiên và các chất liệu có sẵn như cây cối, đất cát, đá...


Đồng thời, mỗi khu vực, mỗi phòng học đều tạo thành một xưởng làm việc nhỏ để trẻ thỏa sức sáng tạo và giải phóng tiềm năng của bản thân.


Sự gắn bó và niềm yêu thích của trẻ với môi trường chính là một mục tiêu giáo dục của phương pháp tiếp cận Reggio Emilia.


239 views0 comments

Comments


bottom of page