top of page
Writer's pictureKate

Nuôi con qua mạng

Ngày nào nhà mình về đến căn phòng nhỏ cũng là tầm 7:30-7:45. May mắn có ông bà ở cùng thành phố, chiều chiều ông bà đón tên Táo béo về nhà ông bà, ông bà tắm cho con, cho con ăn tối béo phính má. Bố mẹ tranh thủ cày kéo thêm chút chút, gọi là cố gắng để tích luỹ chuẩn bị cho hành trình rất dài của con trước mắt. Con trộm vía hiểu chuyện, ở cạnh ông bà và các chị hàng xóm chơi tít lự. Tan sở bố qua đón con, rồi đón mẹ, rồi ba đứa vừa đi vừa hát về nhà.



- Alo, bà giơ cái máy cao lên xem nào - Ôi con yêu đấy à, chữ gì đây con? Đúng rồi, còn chữ gì nữa? Còn nữa không? Giỏi quá mẹ yêu nhé


Trên đoạn hành lang chừng 10-20m từ thang máy vào nhà, ngày nào nhà Táo cũng được/ bị nghe những cuộc gọi từ hai bác hàng xóm, gọi về quê cho em bé kém Táo chừng một tuổi. Khi thì hỏi chuyện ăn uống, khi thì khoe mới mua được cuốn sách, quần áo cho em bé.


Ngồi làm việc, nhưng cứ đến 6:00 là lòng người mẹ nôn nóng chờ ảnh ọt ông bà gửi qua một nhóm chat trên mạng. Hôm nào ông bà bảo nàng buồn là vứt bỏ cả thế giới để về với nàng. Mấy lần mưa bão, bố mẹ kỳ cạch mãi chưa về được, vất vất là. Ông bà thương lại tự đàm phán với nàng là "Mưa to lắm con ở lại đây với ông bà nhé". Nàng gật gù đồng ý với lý do là mưa như thế bố mẹ đi đón con sẽ ướt và ốm mất, con không muốn bố mẹ bị ốm. Nghĩ đến chặng đường mưa gió lầy lội vừa ướt vừa bẩn cho cả con cả bố mẹ, mẹ cũng định tặc lưỡi đồng ý. Nhưng về đến nhà, cơm nước tắm táp xong, nhà cửa vắng vẻ, lại nghĩ đến con trước khi đi ngủ hay làm nũng mẹ cùng đi đánh răng, kể chuyện ở lớp... rồi nghĩ đến sáng hôm sau con mắt nhắm mắt mở ôm vai bá cổ bố đến trường, tay không quên cầm theo cái quạt không động cơ quay tít nhờ gió... mẹ lại vùng đi đón con. Con ở lại với ông bà mẹ tin con cũng chẳng sao đâu, chỉ là mẹ biết con sẽ buồn và cần người chia sẻ.


Nhà tâm lý học Amanda Gummer, nhà sáng lập tổ chức Kỹ năng cơ bản cho trẻ em đã nói: "Các mối quan hệ giữa người với người đóng một vai trò rất lớn trong việc phát triển các kỹ năng cảm xúc và xu hướng đáng lo ngại là, trẻ em ngày nay dành ít thời gian để giao lưu với người khác và dành nhiều thời gian hơn để chơi độc lập (do các trò chơi trên máy tính, thiết bị điện tử luôn sẵn có trong các gia đình), vì vậy bé ít có cơ hội để thực hành những kỹ năng quan trọng này.”


Sau đó ông đưa ra 12 khuyến nghị cha mẹ nên làm với trẻ 0-3 tuổi để giúp con phát triển EQ. Rằng hãy làm bạn với con, hãy quan sát và thấu hiểu các trạng thái cảm xúc của con, hãy chỉ cho con biết buồn vui căng thẳng hay hạnh phúc... đều là những trạng thái bình thường mà ai cũng có, hãy giúp con cân bằng những lúc con hoảng sợ bằng những chiếc ôm và động tác xoa lưng nhẹ, bằng cách giúp con biết cách hít thở thật sâu và đừng to tiếng hay nạt nộ con.


Mình đã bỏ nhiều thời gian để đọc về giáo dục sớm, để đồng hành với chú bé Táo nhỏ, và cũng phục vụ cho công việc của mình. Mình khá chắc là không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng cha mẹ nên tách khỏi con cái. Ngược lại thì vô vàn.


Trong khi các diễn đàn review trường bố mẹ vẫn còn nhiệt liệt hưởng ứng những chủ đề như đến lớp 1 mới đầu tư cho con liệu có quá muộn, mình dự thính hội đồng tuyển sinh lớp một trực tuyến đợt Covid vừa rồi mới thấy những em bé được quan tâm và nuôi dạy chu đáo từ sớm khác biệt như thế nào, những em bé được quan tâm đến cảm xúc thì cư xử chững chạc và đúng bối cảnh ra sao. Trong lòng mình ngập tràn tiếc nuối cho những chú bé, cô bé mà cha mẹ mang đến trường vẫn vừa nói vừa cười "con em như tờ giấy trắng, chẳng biết gì đâu".


"Giấy trắng vào đời thì cũng chẳng sao" nhiều bố mẹ sẽ nói thế. Đời họ có khi cũng trắng xoá đến tuổi trưởng thành.


Càng đọc mình càng thấu hiểu cho những khát khao của những nhà giáo dục mầm non, tại sao họ nỗ lực như thế, họ vất vả như thế. Là vì họ không thể làm ngơ trước tương lai của hàng ngàn đứa trẻ, không thể cứ thế mà trải qua giai đoạn phát triền nền tảng của con, phải thật yêu thương, thật trách nhiệm. Các cô chẳng máu mủ ruột già còn ôm con thật sâu, đong cho con từng mil thuốc. Vậy mà có những người làm cha làm mẹ, lại vì lý do công việc, tước đi của em những kết nối xúc cảm ngoài đời.


Hồi Táo mới sinh được 1.5 tháng, con khóc suốt, mình thấy mệt mỏi và hoảng sợ quá đi. Mình ngủ không được thức không xong. Mình nghĩ bố Táo cũng nên trải qua những khoảng thời gian đó cùng mình, khi chú bé con còn non nớt thế, khi người mẹ cần người bố chia sẻ biết nhường nào. Mình đã nhất định xin phép ông bà hai bên cho xuống Hanoi sớm hơn dự kiến, quyết thuê ra ngoài sớm để hai đứa tự vật lộn với cuộc sống nuôi con và vun vén gia đình. Khó khăn ê chề ra, nhưng chỉ cần ôm con, hít con, nhìn con cười, quan sát con và chứng kiến con tiến bộ mỗi ngày từ những cử chỉ rất nhỏ... cho tớ khi con phát triển tư duy và con biểu đạt ra được... là bố mẹ hạnh phúc vô cùng. Trưởng thành từ đó mà ra.

- Sao bà lại cho nó ăn cái đấy - Đã dặn bà bao nhiêu lần rồi...

Em bé nhà hàng xóm vẫn lớn lên mỗi ngày với cha mẹ hiện lên trong tưởng tượng, qua màn hình ipad, qua thứ tiếng nói lúc được lúc không, qua những tiếng thương yêu được số hoá xen lẫn cả những tiếng cáu gắt cha mẹ mình dành cho ông bà. Cả ông bà và em đã giỏi quá rồi. Em cố lên nhé.


Nghĩ đi nghĩ lại, ít nhất một ngày mình cũng dành 1/4 quỹ thời gian cho con, được vài tiếng bên con chất lượng... ít nhất mình chưa từng ngày nào phải "nuôi con qua mạng".

Biết nỗi sợ lớn nhất của một em bé là gì không? Là bị bỏ lại một mình.

61 views0 comments

Comments


bottom of page