top of page
Writer's pictureKate

Thế giới này không tồn tại sự lười biếng mà chỉ có những rào cản vô hình

Tôi có đọc một blog trên medium của một giáo sư tâm lý học, ông viết như sau và tôi đã phải xin phép dịch sang tiếng Việt để chia sẻ cho các bạn đọc blog của mình. Tôi thấy bản thân mình và rất nhiều người khác ở trong đó. Tôi cũng đã từng phán xét một ai đó là “lười biếng”, không chịu lao động, không chịu học hỏi nghiên cứu vân vân và vân vân.


Nhưng rồi thời gian, và những trải nghiệm để chính bản thân mình chịu đựng sự phán xét của người khác là “Ôi con bé này lười” khiến tôi cảm thấy bị tổn thương sâu sắc (Tôi đôi khi ở vài khía cạnh hơi bị nhạy cảm). Giả dụ như chuyện tôi đã học xong thạc sĩ nhưng tới giờ phút này chưa làm xong luận văn để lấy bằng. Người ngoài, à không, ngay cả những người trong gia đình có thể nghĩ và thậm chí phàn nàn rằng “Sao lười thế, không cố nốt đi”. Nhưng là người trong cuộc, có 1001 rào cản dẫn đến việc tôi trì hoãn công việc mà đối với một đứa yêu thích việc học như tôi, nếu được toàn tâm toàn ý làm nghiên cứu khoa học, chắc chẳng quá 1 tuần.


Hoặc như tôi có cô em nhân viên, trễ deadline liên tục dù cô ấy là một người xuất sắc.

Một cậu em từng có lực học không tệ, nhưng cuộc sống “chây lười”


Giờ tôi hiểu rằng đằng sau họ đều có những “cuộc chiến” riêng, thậm chí là nhiều cuộc chiến. Nên đứng trước một người, tôi thường sẽ chọn cách tôn trọng và tìm cách làm việc/ trò chuyện phù hợp.

Vì thế tôi mong các bạn cũng hãy đọc, và thấu hiểu hơn với mọi-người. Ai mà cũng nhẹ nhàng dìu dắt nhau ở mỗi chặng đường, thì thế giới này đâu có nhiều “người lười” nữa.


Mặt khác, những người thường xuyên bị tổn thương vì bị cho là “lười”, cũng hãy cố gắng tìm ra rào cản dẫn đến trì hoãn của mình và vượt qua nó trong khả năng có thể.




Tất cả chúng ta đều sống bằng mục tiêu làm cho thế giới này vì có mình mà tốt hơn một chút đúng không?

Tôi là một giáo sư tâm lý học. Sáu năm qua, tôi tận mắt chứng kiến các sinh viên của mình học hành chểnh mảng, bỏ bê bài vở, bỏ qua các bài thuyết trình, bỏ lỡ các deadline; đã thấy những sinh viên tốt nghiệp với tương lai sáng lạn nhưng không gửi thư xin việc đúng hạn; thấy những ứng cử viên tiến sĩ mất hàng tháng, hàng năm trời để sửa một bản thảo luận án. Tôi cũng từng có một sinh viên đăng ký vào cũng một lớp học của tôi hai học kỳ liên tiếp và chẳng bao giờ đến lớp.


Tôi nghĩ rằng sự lười biếng không có lỗi
Chẳng bao giờ.
Thực tế, tôi nghĩ rằng sự lười biếng không hề tồn tại.

Tôi là một nhà tâm lý học xã hội, vì vậy tôi quan tâm chủ yếu đến các yếu tố tình huống và bối cảnh thúc đẩy hành vi của con người. Khi bạn đang tìm cách dự đoán hoặc giải thích một hành động của một người, hãy nhìn vào các quy tắc xã hội và bối cảnh của người đó. Các tình huống thực tế thường giúp dự đoán hành vi chính xác hơn nhiều so với tính cách, trí thông minh hay các đặc điểm khác.


Vì vậy, khi tôi thấy một sinh viên không hoàn thành bài tập, chậm deadline hoặc không đạt được kết quả trong các khía cạnh khác của cuộc sống, tôi thường đặt ra các câu hỏi: điều gì ngăn cản sinh viên đó? Có nhu cầu gì không được áp ứng à? Nếu câu trả lời là “lười biếng”, tôi lại đặt câu hỏi theo hướng: Có điều gì ngăn cản họ mà tôi không thấy không?

Câu trả lời là “Luôn luôn có”. Tìm ra những rào cản đó và xem xét chúng một cách chính đáng thường là bước đầu tiên để vô hiệu hóa lý do “lười biếng”.

Điều đó thực sự phát huy tác dụng khi giải thích kết quả không mong muốn của một ai đó thay vì phán xét họ. Tôi học được điều này từ một người bạn của tôi, nhà văn, nhà hoạt động xã hội Kimberly Longhofer (bút danh Mik Everett). Kim rất say mê việc khuyến khích và giúp đỡ những người khuyết tật, người vô gia cư. Những bài viết của Kim viết về hai chủ đề này là một trong những bài viết xuất sắc và gây ảnh hưởng nhất mà tôi từng biết. Một phần vì Kim rất thông minh, nhưng cũng bởi vì trong cuộc đời mình, Kim đã từng là người khuyết tật và vô gia cư.


Kim dạy rồi rằng đánh giá một người vô gia cư vì họ mua rượu hoặc thuốc lá thật là điên rồ. Khi bạn vô gia cư, đêm lạnh lẽo, thế giới quay lưng và mọi thứ thật khó chịu. Cho dù bạn đang ngủ dưới gầm cầu, trong lều hay bất kỳ nơi nào thì khó mà nghỉ ngơi được. Bạn cũng có thể sẽ bị thương hoặc điều kiện khó khăn tác động xấu, bạn ít có cơ hội được chăm sóc y tế và có lẽ không có nhiều thức ăn bổ dưỡng.


Trong bối cảnh đó, thực sự cần một chai rượu hoặc thuốc lá mới đối mặt được với thực tại. Kim đã giải thích với tôi, nếu bạn đang phải ngủ trong một thời tiết lạnh cóng, uống một chút rượu có lẽ là cách duy nhất để sưởi ấm và ngủ được. Nếu bạn không được ăn đủ no, khói thuốc có thể là thứ duy nhất giết chết cơn đói. Và nếu bạn giải quyết tất cả những điều này cùng với việc chiến đấu với cơn nghiện, thì đôi khi bạn chỉ đơn giản nghĩ cứ làm bất cứ điều gì để các triệu chứng biến mất, để bạn có thể sống sót.

Nếu không phải là người vô gia cư, rất ít người nghĩ theo cách đó. Họ đánh giá các hành động và quyết định của người vô gia cư theo giá trị về đạo đức. Người ta dễ có suy nghĩ là những người vô gia cư phải chịu trách nhiệm cho những gì họ phải chịu đựng, thay vì xem xét các yếu tố khách quan khác.


Và khi bạn không hoàn toàn hiểu hết bối cảnh, cuộc sống của một người – những điều họ cảm thấy mỗi ngày, từ những phiền toái nhỏ đến những chấn thương tâm lý ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ – thì bạn rất dễ áp đặt những suy nghĩ cứng nhắc lên hành vi của họ.

Bạn cho rằng tất cả những người vô gia cư nên đặt chai xuống và đi làm? Và chẳng bao giờ để tâm đến việc hầu hết họ đều có vấn đề về tinh thần và thể chất, đang liên tục chiến đấu để được công nhận quyền con người; cũng chẳng bao giờ bận tâm xem họ có được một đêm nghỉ ngơi, một bữa ăn bổ dưỡng trong suốt bao năm tháng hay không. Cũng chẳng bao giờ suy nghĩ lại, rằng ngay cả khi bạn có một cuộc sống thoải mái, dễ dàng, bạn không thể chịu được nếu vài ngày không được uống rượu hoặc mua sắm một cách vô tội vạ.  Còn họ thì phải làm tốt hơn?


Thật sự thì họ đã làm tốt nhất có thể. Tôi biết có những người vô gia cư đi làm giờ hành chính và hết lòng chăm sóc những người khác trong cộng đồng của họ. Rất nhiều người vô gia cư phải làm việc với cán bộ công chức thường xuyên, gặp gỡ các nhân viên xã hội, cảnh sát, nhân viên hỗ trợ nhà ở, nhân viên y tế, và một loạt các tổ chức từ thiện và “bề trên”. Một người vô gia cư sẽ gặp một đống những việc “chết tiệt”. Đến khi họ buộc phải đưa ra một quyết định tồi tệ, thì đó đã là đường cùng.


Nếu bạn thấy hành vi của ai đó thật vô nghĩa, thì đơn giản thôi, bạn đang chưa hiểu hoàn cảnh của họ. Tôi rất biết ơn Kim và tác phẩm của Kim đã khiến tôi nhận ra chân lý đó. Không có lớp học tâm lý nào, ở bất kỳ cấp học nào dạy cho tôi điều đó. Nhưng nó đã trở thành lăng kính tôi áp dụng cho tất cả những hành vi mà nhiều người nhầm lẫn với sự vi phạm đạo đức. Tôi có thể giải thích và đồng cảm với hành vi đó.

Hãy nhìn vào một dấu hiệu của sự lười biếng kinh niên mà tôi tin ai cũng từng một lần mắc phải: sự trì hoãn.

Người ta hay đổ lỗi cho người hay chần chừ, trì hoãn vì hành vi đó của họ. Ngay cả những người thường xuyên trì hoãn mọi việc cũng nghĩ rằng như vậy là họ đang lười biếng. Bạn cho rằng việc bạn làm hay không làm điều gì đó là vi phạm đạo đức? Có nghĩa là bạn có ý chí yếu đuối, không có động lực và lười biếng, phải không?

“Trong nhiều thập kỷ, nghiên cứu tâm lý đã giải thích rằng sự trì hoãn là một vấn đề về chức năng, không phải là hệ quả của sự lười biếng. Khi một người không bắt đầu một dự án mà họ quan tâm, thì đó thường là do:

  1. Lo lắng rằng những nỗ lực của họ không đủ để đạt hiệu quả.

  2. Còn mơ hồ không biết bắt đầu từ đâu.

Chứ không phải là vì lười biếng. Trên thực tế, sự trì hoãn hay chần chừ thường xuất hiện khi công việc đó có ý nghĩa và người đó mong muốn thực hiện tốt nó.”


Sẽ rất khó khi bạn bị “tê liệt” vì sợ thất bại, hoặc bạn không biết làm thế nào để bắt đầu một việc lớn hoặc phức tạp. Nếu đó cứ mãi chỉ là mong muốn, là động lực, là đạo đức thì chẳng có gì được thực hiện cả. Những người chần chừ có thể làm việc trong nhiều giờ, có thể ngồi trước một trang tài liệu trống trơn, chẳng làm gì cả và tự hành hạ mình. Họ cứ dần chất đầy kiểu tội lỗi đó hết lần này đến lần khác. Như vậy chẳng giúp cho công việc trở nên dễ dàng hơn mà ngược lại còn làm mọi thứ thêm căng thẳng và khó khăn hơn.

Thay vào đó, giải pháp là tìm xem điều gì đang khiến họ cứ chần chừ mãi như vậy. Nếu rào cản đó là sự lo lắng, thì họ cần phải rời khỏi máy tính hay sách vở và làm gì đó để thư giãn. Bị gắn mác “lười biếng” có thể dẫn đến những hành động tiêu cực.

“Tuy nhiên, thông thường, rào cản của họ là những thách thức về chứng năng điều hành: họ đấu tranh tư tưởng, phân chia trách nhiệm lớn thành một loạt các nhiệm vụ riêng biệt, cụ thể và có trật tự.

Để dễ hiểu hơn, đây là một ví dụ về chức năng điều hành: tôi đã hoàn thành luận án của mình (từ bản thuyết trình, dữ liệu đến việc chuẩn bị phản biện) trong vòng một năm. Tôi đã hoàn thành khá nhanh chóng và dễ dàng vì tôi biết rằng tôi phải:

– Nghiên cứu về chủ đề

– Phác thảo dàn ý

– Lên lịch cho từng đoạn viết

– Chuốt lại từng đoạn, từng chương, kiên trì từng ngày theo đúng lịch trình đã vạch sẵn”


Không ai dạy tôi chia nhỏ các nhiệm vụ ra như vậy. Không ai ép tôi phải tuân thủ theo lịch trình của mình. Mà cách đó phù hợp với cách thức não bộ của tôi hoạt động, với đặc điểm là ưa phân tích, tập trung cao độ và có chút tự kỷ. Hầu hết mọi người không làm được một cách dễ dàng như vậy. Họ cần một điều gì khác tác động. Các cuộc họp nhóm với bạn bè chẳng hạn. Để một người bạn đặt deadline cho họ.


Khi phải đối mặt với một dự án lớn, hầu hết mọi người đều cần tư vấn xem nên chia nhỏ các nhiệm vụ và deadline ra như thế nào. Để theo dõi tiến độ, họ cần các công cụ như to-do list, lịch, sổ ghi chép hoặc đề cương.

Việc cần đến những thứ đó không làm một người trở nên lười biếng. Nó chỉ đơn giản là họ có nhu cầu. Chúng ta càng tạo điều kiện cho họ, họ càng tiến bộ nhanh.


Tôi có một sinh viên thường xuyên bỏ học. Thỉnh thoảng tôi thấy cô ấy lảng vảng gần giảng đường ngay trước khi lớp học bắt đầu và trông có vẻ mệt mỏi. Và khi lớp học bắt đầu, cô ấy sẽ xuất hiện. Khi cô ấy vào lớp trông có vẻ hơi lấm lét, ngồi ở cuối lớp, mắt nhìn xuống vẻ chán nản. Cô bé có tham gia khi học nhóm nhưng không bao giờ phát biểu trong các cuộc thảo luận trên lớp.


Rất nhiều đồng nghiệp của tôi sẽ đánh giá sinh viên này lười biếng, vô tổ chức hoặc thờ ơ. Tôi biết điều này khi nghe họ nói chuyện về những sinh viên học kém, giọng điệu có chút phẫn nộ. Tại sao sinh viên này không nghiêm túc trong giờ của tôi? Mấy đứa đó không khiến tôi thấy thú vị, chẳng thể hiện chút nào thông minh.

Bộ môn của tôi có một bài học về dấu hiệu sức khỏe tâm thần. Đó là niềm đam mê của tôi, vì tôi là một nhà tâm lý học thần kinh. Cả lớp và tôi đã nói về những phán xét không công bằng mà mọi người áp đặt lên những người mắc bệnh tâm thần; vì sao sự lề mề, yếu ớt lại bị cho là lười biếng; sự thiếu tinh thần bị nghĩ là biện minh, mánh khóe; làm sao mà những người mắc bệnh tâm thần nặng lại bị cho là không đủ năng lực hoặc nguy hiểm.


Cô bé sinh viên lặng lẽ, hay bỏ học theo dõi cuộc thảo luận này với sự quan tâm, chú ý đặc biệt. Sau giờ học, sau khi mọi người ra khỏi phòng, cô ấy quay lại và nói muốn nói chuyện với tôi. Cô bé tiết lộ rằng mình bị bệnh tâm thần và làm việc để có tiền điều trị. Cô rất bận vì liệu trình điều trị và chuyển đổi các loại thuốc, và còn rất nhiều các tác dụng phụ kéo theo. Có khi cô không thể rời khỏi nhà hoặc ngồi yên trong lớp nhiều giờ được. Cô không dám nói với các giáo viên khác lý do vì sao cô hay bỏ học hoặc không làm bài tập. Bởi họ sẽ nghĩ rằng đó chỉ là cái cớ của cô. Nhưng cô ấy tin là tôi có thể hiểu.

Và đúng thế. Tôi đã rất rất tức giận vì cô bé cảm thấy có lỗi về những triệu chứng của mình. Cô đang phải cố gắng đi học cho đủ, làm một công việc bán thời gian và theo quá trình điều trị sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. Tôi nói đùa với cô bé rằng cô thật là một kẻ xấu, chứ không phải là kẻ lười.

Cô bé đến các giờ học của tôi nhiều hơn và dần thoát khỏi vỏ bọc của mình. Vào những năm học sau, cô bé còn là người có nhiều đóng góp tích cực và thẳng thắn cho giờ học. Thậm chí là còn nói chuyện cởi mở hơn với bạn bè về bệnh tình của mình. Trong các cuộc thảo luận trên lớp, cô bé còn thách thức tôi và hỏi tôi những câu hỏi tôi đánh giá là khá thông minh. Cô chia sẻ rất nhiều các kênh và các trường hợp thực tế về các hiện tượng tâm lý với chúng tôi. Khi cô có một ngày tồi tệ, cô ấy nói với tôi và xin nghỉ. Các thầy cô khác, bao gồm cả những người trong khoa tâm lý học vẫn còn phán xét cô bé. Nhưng trong một môi trường mà những rào cản của cô bé được cảm thông hơn, cô bé đã tiến bộ rất nhanh.

Trong những năm qua, trong cùng một ngôi trường, tôi đã gặp vô số những sinh viên khác bị đánh giá thấp vì những rào cản trong cuộc sống của họ không được xem xét. Một cậu sinh viên bị OCD (một dạng rối loạn tâm lý) luôn đi học muộn, vì đôi khi sự thiếu kiểm soát suy nghĩ của cậu khiến cậu như bị mắc kẹt với chính mình. Một cô bé khác phải điều trị chấn thương tâm lý sau khi bị bạo hành, và các cuộc hẹn điều trị đều ngay trước giờ tôi lên lớp hàng tuần. Một phụ nữ trẻ bị chính bạn học của mình hành hung và phải tiếp tục đến lớp với người đó, trong khi trường học điều tra sự việc.


Những sinh viên này đều sẵn lòng đến với tôi và chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống của họ. Vì tôi đã thảo luận về bệnh tâm thần, những chấn thương tâm lý và sự kỳ thị trong giờ học của tôi, họ biết tôi sẽ thấu hiểu. Và chỉ cần một vài điều chỉnh, họ đã phát huy bản thân mình trong học tập. Họ có được sự tự tin, nỗ lực trong các bài tập đã từng khiến họ sợ hãi và điểm số được cải thiện. Tôi luôn cảm thấy ngưỡng mộ họ. Khi tôi còn là sinh viên đại học, tôi không biết làm sao để tự hiểu chính mình. Tôi thậm chí đã bắt đầu dự án tự học suốt đời để mong tạo được động lực cho mình.


Các sinh viên có những vấn đề trong cuộc sống không phải lúc nào cũng được đối xử giống như vậy. Cá biệt, một đồng nghiệp của tôi còn nổi tiếng khắp trường vì không cho phép các bài kiểm tra bù hoặc đi muộn, luôn cứng nhắc trong mọi trường hợp dù lý do của sinh viên là gì. Quan điểm của cô là không có rào cản nào là không thể vượt qua. Các sinh viên rất hoang mang, các em cảm thấy xấu hổ về những vấn đề của mình: bị tấn công tình dục, các triệu chứng lo lắng, trầm cảm. Khi một học sinh học kém trong lớp của cô thể hiện tốt trong giờ học của tôi, cô ấy còn tỏ ra nghi ngờ.


Tôi cảm thấy xúc phạm về đạo đức vì một nhà giáo dục lại giống như thù địch với học trò của mình. Và càng tức giận hơn khi người thực hiện điều đó lại là một nhà tâm lý học. Sự bất công và thiếu hiểu biết đó khiến tôi phát khóc mỗi khi nhắc đến. Đây không phải là trường hợp đặc biệt trong ngành giáo dục, mà còn khá phổ biến, nhưng không học sinh nào đáng bị đối xử như vậy.


Tất nhiên, tôi biết rằng các nhà giáo dục không có trách nhiệm phải biết về những vấn đề của học sinh. Một số trường đại học còn tự hào vì từ chối tiếp nhận những sinh viên bị khuyết tật hoặc có vấn đề tâm lý. Họ hoàn toàn nhầm lẫn, nhầm lẫn một cách tàn nhẫn và lạnh lùng. Và hầu hết những giáo sư, những người dễ dàng đạt được thành công trong nghiên cứu lại gặp khó khăn trong việc hiểu ý nghĩ, quan điểm của một ai đó đang phải đối mặt với sự đấu tranh trong tư tưởng, trầm cảm, cảm xúc bị hỗn loạn, tự hành hạ mình, thậm chí nghiện ngập. Tôi có thế thấy các yếu tố khách quan dẫn đến các vấn đề này. Còn họ có thái độ và phán xét như vậy là do không nhìn nhận vấn đề dựa trên tình huống của nó. Con người ta không chủ động lựa chọn sự lười biếng.


Và đó là lý do tại sao tôi viết bài này. Tôi hy vọng sẽ đánh thức các nhà giáo dục đồng nghiệp của mình, ở tất cả các cấp học. Nếu thực tế một sinh viên đang gặp khó khăn, họ chẳng có sự lựa chọn nào khác. Có thể họ muốn làm tốt, họ đang cố gắng lắm rồi. Hơn thế, tôi muốn tất cả mọi người có một cách tiếp cận khác, tìm hiểu và đồng cảm với những người mà họ nghĩ rằng đang lười biếng hay vô trách nhiệm.

Nếu một người có thể rời khỏi giường, có thể họ đang vô cùng mệt mỏi và kiệt sức vì điều gì đó. Nếu một học sinh không viết bài, thì biết đâu có một số điểm trong bài tập mà họ không thể tự làm được. Nếu một nhân viên liên tục trễ deadline, điều gì đó khó khăn trong sự sắp xếp và hoàn thành công việc chăng? Ngay cả khi một người lựa chọn đập đổ, thì cũng có một lý do nào đó: họ có những nỗi sợ hãi, hoặc nhu cầu nào đó không được đáp ứng, hoặc thiếu tự tin.


Mọi người không chọn sự thất bại, hay thất vọng. Không ai muốn cảm thấy vô dụng, thờ ơ hay làm việc không hiệu quả. Nếu bạn nhìn vào một người qua hành động, hoặc họ chẳng hành động gì cả, và ta thấy sự lười biếng, thì bạn đang bỏ qua cốt lõi của vấn đề. Luôn luôn có lý do nào đó, rào cản nào đó. Chỉ vì bạn không thể thấy, hoặc không chấp nhận nó, không có nghĩa là nó không tồn tại.

Có thể bạn chưa từng nhìn nhận hành vi của con người theo cách này. Không sao. Bạn đang bắt đầu đó. Hãy thử một lần xem.

Đọc thêm: Đây là 4 câu bạn có thể hỏi bản thân trước những quyết định quan trọng trong cuộc đời

86 views0 comments

Comments


bottom of page