top of page
Writer's pictureKate

Về năng lực Viết trong truyền thông

Hình như đang có trend các cây viết viết về nghề viết. Sáng đầu năm mới mình cũng xin được góp vui.


Trước tiên phải khẳng định, viết cho truyền thông (PR Writing) là một loại năng lực. Như thầy giáo mình chia sẻ: Combo Kiến thức + Kỹ năng + Thái độ sẽ hình thành nên năng lực.


Nói PR Writing là một loại năng lực, chứ không phải chỉ là kỹ năng là bởi vì, bạn sẽ cần:

  • kiến thức về (1) chủ đề bạn sắp viết; (2) thể loại sản phẩm truyền thông bạn sắp đặt bút (là tin, TCBC, bài phỏng vấn, bài chân dung, bài phân tích, bài tổng hợp báo cáo hay bất cứ loại kịch bản nào sẵn sàng cho đứa con tinh thần của bạn một cái áo mới...) ; (3) các hiểu biết/ lý thuyết liên quan đến PR

  • Rèn luyện loạt kỹ năng cụ thể: (1) xác định vấn đề, xác định từ khoá, xác định câu hỏi lớn, xác định bối cảnh truyền thông... quyết định góc khai thác; (2) tìm kiếm; (3) nghiên cứu tài liệu, chi tiết; (4) phỏng vấn; (5) lập dàn ý; (6) biên soạn; (7) biên tập

  • Xác lập một thái độ phù hợp với bối cảnh truyền thông: Bạn nghiêm túc bao nhiêu cho đề tài này? Bài sẽ cần xác lập một tâm thế như thế nào trước khi bước vào sản xuất sản phẩm này.


Ví dụ cho dễ hình dung:

Bạn làm PR Inhouse, bạn được giao viết một bài chân dung anh CEO công ty để đăng lên một tờ báo. Bạn có hai lựa chọn:

- Bạn tự viết

- Bạn đi thuê agency viết


Rồi giờ mình quan tâm đến bạn nào là bạn thực sự viết :D, thì:

  • Bạn cần có kiến thức/ hiểu biết: (1) Về nhân vật; (2) Về doanh nghiệp của nhân vật; (2) Về ngành công nghiệp mà doanh nghiệp của nhân vật đang hoạt động; (3) Về bối cảnh kinh tế, thị trường, xã hội vào thời điểm mà bạn chuẩn bị xuất bản bài viết này; (4) Về nhu cầu và thói quen tiếp nhận thông tin của tập độc giả tại kênh mà bạn định xuất bản...

  • Bạn cần có kỹ năng:

(1) Thu thập tài liệu đã có, các bài báo, các bài viết nội bộ trước đây... để tìm hiểu từ tài liệu thứ cấp về anh CEO; (2) Stock social media của anh ý từ Facebook, Insta, Linkedin, Youtube nếu có để thêm hiểu về vấn đề mà ảnh quan tâm, sắc thái/ cá tính mà ảnh thường thể hiện; (3) Phỏng vấn những người xung quanh để coi đánh giá, nhận định của những người xung quanh về bản thân ảnh, quan điểm quản trị của ảnh...; (4) Phỏng vấn chính ảnh để coi ảnh có thêm những chất liệu gì, ảnh là chuyên gia mảng nào, ảnh muốn nói về chủ đề gì... Có khi thu thập thông tin và phỏng vấn xong, bạn sẽ thấy chà nhân vật này là một bầu trời thú vị, có quá nhiều câu chuyện để kể về ảnh, giờ phải tìm ra góc nào sáng sáng để khai thác, vừa tạo hình (Shaping) được hình ảnh của ảnh, vừa phù hợp (matching) với thị hiếu của độc giả... rồi kế đến là nhiều kỹ năng chuyên môn như nói ở trên.

  • Bạn cần có thái độ: Nếu bạn có thái độ làm cho xong, sao chép nhân bản (clone) một bài viết nhân vật nào trước đó na ná, hoặc trời ơi anh này khó chịu quá làm vậy vậy thôi... thì hì hì.

Thứ hai, theo bản thân mình, trong bối cảnh cụ thể là PR Writing để đăng lên báo, người làm truyền thông ở Việt Nam không nên tung hô khái niệm "Bài PR" theo cách hiểu hiện tại nữa. Kiểu bài mà cứ kể lể ở trên rồi cuối bài dí sản phẩm/ dịch vụ/ chương trình khuyến mãi/ box thông tin cùng đống link/ hotline vào theo cách rất kém duyên ấy. Người đọc luôn thấy bị lừa dối. 1 triệu nhãn cùng hành xử như vậy, càng cộng hưởng ban cho thị trường hàng triệu lần ở trong cảnh bị lừa dối. (Nghĩ mà xem, bạn có từng cảm thấy bị lừa dối không khi đọc bài kiểu 5 mẹo giúp tẩy trắng áo, xong kéo xuống thứ 4 thì gặp một brand nước giặt)


Quan điểm của mình, bài một khi đã đăng lên báo, trước khi nói đến nó là một sản phẩm truyền thông (PR Publications), nó phải là một sản phẩm báo chí đã (Press Article). Mà sản phẩm báo chí thì có quy định về thể loại, format, tone & voice, media value, title format...; thông tin trên sản phẩm báo chí phục vụ độc giả của tờ báo và hướng theo tôn chỉ mục đích của tờ báo (chứ không phải theo sở thích của ông chủ doanh nghiệp hay Marketing Manager thích đưa gì thì đưa); sản phẩm báo chí phải thực hiện các chức năng cơ bản của báo chí.


Cho nên nếu có một PR Publication nào ở trên mặt báo, thì người viết nên đặt tâm thế viết một bài báo, và trước đó thì nghiên cứu làm sao để chọn được góc khai thác mà ở đó sản phẩm/ dịch vụ/ nhân vật/ giải pháp mà mình đang cần quảng bá nó có thể đóng được vai vedette trong bài (xin được trình bày ở bài khác).


Và cuối cùng, một nhân sự PR Writing được duyệt sẽ đâu đó có 3 nấc thang mà kế thừa luỹ tiến:

  1. Viết đúng được: Đúng đề bài, đúng bối cảnh, đúng vấn đề, đúng thuật ngữ, đúng chủ thể, đúng hành động, đúng trình tự ưu tiên, đúng chi tiết

  2. Viết dài/ viết ngắn được: Biết các kỹ thuật làm dài/ rút ngắn, đảm bảo logic

  3. Viết hay/ viết sâu/ viết sáng tạo/ viết có sắc thái cá nhân: Biết các kỹ thuật viết tinh vi cầu kỳ hơn: kể chuyện, dùng thoại, đảo phách giữ nhịp, vẽ vời các kiểu :D.

Mình tự nhận mình khá rành level 1 và level 2. Còn các cậu? :D

264 views0 comments

Comentarios


bottom of page