top of page
Writer's pictureKate

Review vở Trại Hoa Vàng

Lần gần nhất mình xem một vở kịch ở Hà Nội, là đêm công diễn vở Kiều ở Nhà hát kịch Việt Nam. Sau đó mình follow fanpage của các nhà hát để tìm kiếm các vở khai thác các đề tài mới mẻ và thực tế hơn, hoặc đề tài cũ cũng được - nhưng được làm mới bằng lối khai thác của đạo diễn, hoặc đơn giản là ứng dụng công nghệ biểu diễn mới. Lúc thấy bài giới thiệu của Nhà hát Tuổi trẻ, mình cũng không nghĩ Trại Hoa Vàng lại đáp ứng được mấy tiêu chí trên, chỉ đơn giản là combo "chuyển thể từ tác phẩm của tác giả Nguyễn Nhật Ánh" và "con mình đã đủ lớn để gửi ông bà đi xem 2 tiếng buổi tối", nên mình mua vé cho cả team 8 bạn luôn. Vở kịch đã tốt hơn kỳ vọng của mình nhiều.




Khi đánh giá một tác phẩm: xem một bộ phim, một video clip, một chiến dịch truyền thông, một bài long form... hay đó, một vở kịch; mình không thường soi quá nhiều vào một chi tiết cụ thể nào. Mình thường để ý đến những trải nghiệm tổng thể mà sản phẩm đem lại. Trại Hoa Vàng đã tạo ra được những key moments khiến cả rạp không ngớt tiếng vỗ tay tán thưởng; và cũng đã mang đến những câu chuyện chạm vào trái tim của bất cứ ai đã đang và sẽ trải qua các dấu mốc của sự trưởng thành.


Đối với mình, âm nhạc và lời thoại có lẽ là hai điểm cộng lớn nhất của vở diễn. Hai yếu tố "đường tiếng" này đã góp công lớn trong các tình huống đẩy cao trào, hoặc gây bất ngờ cho khán giả.


Cá nhân mình thích nhất thoại của nhân vật "Phú Ghẻ", cậu bạn thân quốc dân mà ai cũng mong có một lần trên đời. Thoại của nhân vật này thực tế, hài hước, gần với ngôn ngữ của giới trẻ. Còn âm nhạc thì mình thích hai phân đoạn: đó là khi Chuẩn, Cẩm Phô và "em Đuông Dừa" solo mà như tam ca và khi Cẩm Phô lên thành phố học đại học, còn lại Chuẩn với "Và thế là hết".


Sau những lần đi xem kịch ở các sân khấu to nhỏ khác nhau, mình phát hiện ra diễn viên không chuyên khác diễn viên chuyên nghiệp nhất ở chỗ nhả thoại. Diễn viên nghiệp dư sẽ khó có giọng vang, khẩu hình tròn trịa; và thường xuyên nói díu nói thật nhanh. Các diễn viên trong ekip của Trại Hoa Vàng có vẻ còn rất trẻ, song họ không mang lại cho mình cảm giác khó chịu khi nghe họ nói và hát.


Kế đó mình yêu thích sự "giàu có - rich" trong xây dựng nhân vật và bố trí các tình huống. Vở kịch chừng 90 phút, nhưng không khi nào sân khấu nguội lạnh. Việc này có vẻ như là một tiêu chí trong xây dựng kịch bản cho kịch nói thì phải, mình đi xem vở nào cũng thấy vậy, việc các nhân vật xuất hiện đan xen và có tính toán khiến cho người xem cảm thấy rất thú vị. Tiết tấu nhanh cũng là một cách để kéo khán giả phải hoàn toàn tập trung vào vở diễn, khán giả chỉ cần ngơi ra một chút là có thể lỡ mất một tình huống đáng yêu.


Không biết chuyên môn gọi là gì, nhưng mình luôn thích những cảnh đông người trên sân khấu. Việc họ hoà âm giọng nói thành những thông điệp vang vọng vang vọng; hoặc hoà ca trong những giai điệu sôi động làm mình thấy rất ấn tượng.


Trại hoa vàng cũng giống như Mắt biếc, khai thác câu chuyện các bạn học xong phổ thông thì lên thành phố. Nếu như Mắt Biếc tập trung vào chuyện tình cảm thời thơ ấu và đặc tả vào cuộc sống va vấp của nữ chính sau khi lên thành phố, thì Trại hoa vàng lại nêu ra những trăn trở của chuyện chọn ngành chọn nghề chọn tương lai ở ngay thời điểm kết thúc bậc phổ thông. Từ những hoang mang của các bạn trẻ trước thềm một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời - thi đại học, cho đến việc phải chọn con đường theo kỳ vọng của cha mẹ, hoặc những bạn trẻ dường như khá chắc về ước mơ của mình (như Cẩm Phô) cũng có lúc hoài nghi sự lựa chọn của chính mình, và dường như là có rất ít những người như Chuẩn - kiên định với con đường của mình, dù đó không phải là cái đích đến như cha mẹ và người đời tưởng tượng hay kỳ vọng... đều được bằng cách này hay cách khác đưa vào trong câu chuyện.


Thông điệp của vở kịch dường như là hướng tới sự tích cực, khuyên các bạn trẻ hãy kiên định với lựa chọn của mình (tất nhiên là nếu như mình đã rất chắc chắn về nó - như là Chuẩn hay Cẩm Phô); và cũng nêu cao ý nghĩa ""công việc gì cũng đáng quý, thành tựu nào cũng là thành công""; song thì đối với mình, thông điệp này chưa đủ đắt để gọi Trại hoa vàng là một vở kịch hướng nghiệp. Gọi là một vở kịch có nội dung liên quan đến đề tài lựa chọn nghề nghiệp và tương lai thì chuẩn hơn. Hai chữ ""hướng nghiệp"" trông thế mà không đơn giản thế. Nó phải xuất phát từ việc đánh giá được bản thân, chỉ dẫn để khám phá thế giới nghề nghiệp, giúp đỡ tạo cơ hội thực hành nghề nghiệp và ra quyết định chọn cho mình một hướng đi.


Mình chưa đọc nguyên tác, song xem kịch thì có thể tưởng tượng được, rằng Trại hoa vàng cũng như bao thế giới xinh đẹp khác mà tác giả Nguyễn Nhật Ánh đã vẽ ra, trọn vẹn, có tình yêu thời áo trắng, có tình bạn tình yêu tình cảm gia đình, có những khát vọng và trăn trở của những bạn trẻ mười tám đôi mươi.


Trại hoa vàng phiên bản kịch nói mình xem lần này, được thổi hơi thở cuộc sống học trò hiện đại, phản ánh những âu lo muôn thuở về tương lai, sự nghiệp, con đường. Dù các tuyến nhân vật chính có lúc bị chê là "không bị biên kịch thử thách gì lắm", và màn cuối kết hơi hụt hẫng một chút, mình nghĩ đây là một vở kịch thành công và mình sẽ đi xem lại vở này. Đôi lúc mình thấy bóng dáng của Lalaland, Mamamia, Highschool Musical ở trong đó.


Cảm ơn ekip vì tựu trung đã mang tới cho đời một là một thế giới lấp lánh sắc màu. Hy vọng vở kịch sẽ được diễn dài lâu để góp phần mang khán giả trẻ tới với sân khấu kịch.


Cảm ơn PV Việt Hùng (Zing.vn) đã chia sẻ những bức ảnh cho cô em khán giả hàng dưới.










Comments


bottom of page