top of page
Writer's pictureKate

Vở kịch Thiên mệnh - Nhà hát Kịch Việt Nam

Một trong số những điều mình đưa vào danh sách ưu tiên "phải đến" khi Hà Nội hết giãn cách, đó là "Đến sân khấu xem một vở kịch". Khát khao được trở thành một phần của sân khấu - loại hình nghệ thuật có kết nối trực tiếp nhất với khán giả, lớn đến nỗi mỗi khi rảnh rang mình lại đi xem một vòng Facebook Fanpage của 13 Nhà hát ở Hà Nội, xem có Nhà hát nào mở cửa chưa.


Không hổ là cánh chim đầu đàn của làng sân khấu, Nhà hát Kịch Việt Nam đã công bố lịch diễn của tháng 10 và tháng 11, ngay sau đêm diễn kỷ niệm 100 năm ngành sân khấu.


Chắc không phải tình cờ, những lần đến với Nhà hát Kịch Việt Nam của mình đều là xem các vở dựng từ các điển tích lịch sử. Lần này cũng vậy, vở kịch Thiên Mệnh được đạo diễn bởi NSUT Đỗ Kỷ, lấy nhân vật trung tâm là ông Trần Thủ Độ.


Nhà hát yêu cầu không chụp ảnh nên mình đã... chụp lén một bức vào màn cuối :D

Những nhân vật được lịch sử ghi lại là "nhân vật nhiều tranh cãi", mình hiểu, đều là những nhân vật thú vị. Thái sư Trần Thủ Độ là người có ảnh hướng lớn nhất đến lịch sử Đại Việt trong suốt nửa thế kỷ thay triều đổi đại từ Lý sang Trần. Ông đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện lật đổ nhà Lý, lập nên nhà Trần, thu phục các thế lực người Man làm phản loạn và trong cuộc chiến kháng quân Nguyên lần thứ nhất. Tên tuổi của ông, rõ là đã vang danh đến hàng ngàn năm sau. Trước khi xem vở Thiên Mệnh, mình không có nhiều hiểu biết lắm về ông Trần Thủ Độ trong vai trò bồi dưỡng Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo) hay góc khuất trong câu chuyện gia đình, hôn nhân. Thật biết ơn các nhà sáng tạo vở kịch đã giúp mình hiểu hơn về ông, về một giai đoạn lịch sử.


Thiên mệnh là một vở chính kịch. Và như nhiều vở chính kịch khác, bạn sẽ luôn tìm thấy trong chúng những câu chuyện với nhiều ý nghĩa lớp lang, chuyển tải những thông điệp nhân văn về lòng yêu nước, tình cảm gia đình, tình yêu, nghĩa vua tôi và tôn vinh những giá trị tốt đẹp trong mỗi con người. Thiên mệnh cũng vậy.


Những diễn biến chính, thật được khéo sắp xếp, làm rõ tất cả những điều vừa kể trên. Dưới đây là một số điều mình thích thú ở vở Thiên mệnh, dưới những lăng kính được NSUT Đỗ Kỷ và các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng.


  • Thích cách tạo hình, lối xử lý đã làm rõ nét chân dung, sự khác biệt trong tính cách của ba anh em: An Quốc, An Bang, An Hạ. Sự ngạo nghễ bất chất của người này, làm rõ nét cho sự can trường của người kia, sự lung lay tham lam và cạn nghĩ của người này, lại tô lên đậm nét những phẩm chất của người anh hùng quảng đại trong người khác.

  • Thoại. Có rất nhiều câu thoại ghi dấu ấn trong lòng mình. Thích những đoạn thoại giữa hai anh em An Bang, An Quốc khi phân định về những phẩm chất khi sống trên đời, cống hiến... Những đoạn thoại cho thấy đấu tranh nội tâm của các nhân vật khi phải đứng trước một bên là gia đình, một bên là quốc gia. Nghe đau lòng

  • Thích hình tượng ba cây đàn, ba anh em.

  • Thích cách tiếp cận tựu chung về nhân vật An Bang là tích cực, ghi nhận.

  • Quá mến mộ diễn xuất của hai nghệ sĩ trong vai An Bang và An Quốc. Hơi tiếc là các kênh thông tin của các Nhà hát hiện chưa có nhiều thông tin về các nghệ sĩ theo từng vai diễn để những khán giả như mình có thể tra cứu và... ngưỡng mộ :D

Điều mình hơi tiếc, đó là ba câu chuyện tình trong vở chưa có nhiều đất diễn. Ta thấy từng lát yêu thương, từng lát trăn trở; nhưng tuyến tính, những quyết định, nhưng biến chuyển thì chưa thực sự rõ ràng. Mình đã mong chờ nhiều hơn ở sự xuất hiện của vị công chúa nhà Lý - phu nhân của tướng quân An Quốc.


Với mình cũng mong chờ nhiều hơn ở âm nhạc, và những đoạn hoà ca.


Mình sẽ đi xem lại Thiên mệnh, khi đọc hiểu nhiều hơn về những nhân vật trong vở kịch này. Cảm ơn ekip sáng tạo và tập thể Nhà hát kịch Việt Nam đã cho ra đời những vở kịch chất lượng.


Mình tin tưởng rằng rồi đây, sân khấu sẽ... rất khác :)


---


NSƯT Đỗ Kỷ từng giữ chức Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam năm 2001-2008. Ông cũng từng dàn dựng một số vở kịch tiêu biểu của Nhà hát, như: Hoa cúc xanh trên đầm lầy (1999), Đi tìm điều không mất (2003), Chuyện vặt người lính (2005), Linh hồn đông lạnh (2008)...


PS. Người dưới một người trên vạn người, thay đổi lịch sử dân tộc, ảnh hưởng đến bá tánh, đầy tham vọng và chí lớn; rồi có khi, làm tất cả mọi thứ có khi cũng chỉ là để mình có quyền lực, vượt lên tất cả, lấy được người phụ nữ mình thương yêu. https://trithucvn.org/van-hoa/tran-thu-do-la-so-tu-vi-xuat-than.html

55 views0 comments

Comments


bottom of page